Từ năm 2022 sẽ đóng các chế độ bảo BHXH dài hạn gồm: hưu trí và tử tuất.
Đây là điểm mới tại Nghị định 143/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật bảo hiểm xã hội (BHXH) và Luật an toàn, vệ sinh lao động về BHXH bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam vừa được Chính phủ ban hành ngày 15.10.
Lao động nước ngoài đóng 8% lương
Mặc dù Luật BHXH năm 2014 quy định, kể từ ngày 1.1.2018, người nước ngoài lao động tại Việt Nam phải đóng BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, ngày 15.10 vừa qua Chính phủ mới có Nghị định hướng dẫn. Các chế độ BHXH bắt buộc gồm 5 chế độ: Ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp – tai nạn lao động, hưu trí, tử tuất.
Tiền lương tháng tính đóng BHXH gồm: Mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định.
Theo Nghị định, từ ngày 1.12.2018, người lao động (NLĐ) là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 1 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.
Hằng tháng, NLĐ nước ngoài sẽ đóng BHXH với mức bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
NLĐ không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
Người sử dụng lao động tham gia BHXH bắt buộc bao gồm: cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân được phép hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.
Mức đóng hằng tháng mà chủ sử dụng lao động tính trên quỹ tiền lương tháng đóng BHXH của NLĐ như sau: 3% vào quỹ ốm đau và thai sản; 0,5% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Riêng quy định về chế độ hưu trí và chế độ tử tuất, Nghị định nêu rõ hiệu lực thi hành bắt đầu từ ngày 1.1.2022.
Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Nghị định này và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên về cùng một vấn đề, áp dụng quy định của điều ước quốc tế.
Doanh nghiệp không phát sinh thêm chi phí
Ông Trần Hải Nam, Phó vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết, hiện rất nhiều nước cũng lựa chọn hình thức BHXH bắt buộc với lao động nước ngoài. Ngay cả Nhật Bản, Hàn Quốc trong luật của họ cũng áp dụng bắt buộc đóng BHXH với lao động nước ngoài.
Theo ông Nam, nếu như theo quy định của Luật BHXH thì lao động nước ngoài phải tham gia 5 chế độ. Tuy nhiên, trong Nghị định mới chúng tôi đề xuất lộ trình hợp lý cho doanh nghiệp. Trước mắt ưu tiên chế độ ngắn hạn để doanh nghiệp có thể tiếp cận dần với các chế độ BHXH”
Về lý do lùi thời gian thực hiện đóng chế độ BHXH bắt buộc dài hạn với 2 chế độ hưu trí và tử tuất đến năm 2022, theo ông Nam, mục đích là để đến thời điểm đó, Việt Nam sớm hoàn tất hiệp định tránh đóng BHXH 2 lần với các nước.
Theo ông Nam, quy định mới không những không làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp nước ngoài mà còn tạo ra sự bình đẳng giữa lao động trong và ngoài nước. Do thay vì trả hết lương cho lao động nước ngoài, chủ sử dụng sẽ trích một phần trong đó để đóng BHXH và không làm thay đổi tổng quỹ lương của doanh nghiệp.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, số lượng lao động nước ngoài có xu hướng tăng, nhất là từ năm 2016 đến đầu năm 2018. Hiện cả nước có trên 80.000 người lao động nước ngoài, trong đó đa số đã được cấp giấy phép lao động (chiếm trên 90% tổng số lao động nước ngoài thuộc diện cấp giấy phép lao động); số còn lại không thuộc diện cấp giấy phép lao động hoặc đang làm thủ tục xin cấp giấy phép lao động. |
Nguồn: thanhnien.vn