Đó là thực trạng được ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM, nêu khi trả lời PV Thanh Niên. Theo ông Mến, riêng nợ BHXH của các doanh nghiệp (DN) tại TP.HCM hiện lên tới hơn 2.880 tỉ đồng, chiếm 4,7% tổng số thu. Trong đó có 1.537 DN nợ rất khó đòi với số tiền 437 tỉ đồng. Những DN này đã giải thể, phá sản, mất tích, chủ bỏ trốn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giải quyết chế độ cho người lao động (NLĐ).
“Ăn nên làm ra” cũng chây ì đóng BHXH
Phải chăng chỉ có những DN nhỏ mới nợ BHXH khó đòi?
Thực tế nhiều DN lớn cũng nợ khó đòi. Điển hình như Công ty cổ phần vận tải dầu khí VN nợ hơn 14 tỉ đồng, thời gian nợ đã 58 tháng; Công ty cổ phần xây dựng công nghiệp nợ 8,9 tỉ đồng, nợ đã 20 tháng; Công ty cổ phần bưu chính viễn thông Sài Gòn nợ hơn 19,7 tỉ đồng, nợ đã 19 tháng; Công ty TNHH Nhà máy sửa chữa đóng tàu Sài Gòn nợ 33,8 tỉ đồng, nợ đã 11 tháng; Công ty TNHH Nam Phương nợ hơn 27,8 tỉ đồng với thời gian nợ 29 tháng… Hiện BHXH TP đã gửi hồ sơ qua cơ quan công an đề nghị xử lý hình sự đối với Công ty TNHH Nam Phương, theo điều 216 bộ luật Hình sự.
Ảnh: Trung Hiếu
Duy nhất cả nước chỉ có BHXH TP gửi hồ sơ Công ty Nam Phương cho cơ quan công an. Công ty này nợ hơn 27,8 tỉ đồng BHXH với thời gian dài, chủ có dấu hiệu bỏ trốn. Hồ sơ đã được gửi cho PC46 Công an TP cách đây 3 tháng và hiện bên đó đang xem xét
Có nhiều nguyên nhân nợ BHXH như DN gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, không có tiền trả lương cho NLĐ, không có khả năng đóng BHXH. Tuy nhiên, vẫn có một số đơn vị không chịu đóng BHXH trong khi vẫn có điều kiện. Chỉ đến khi cơ quan BHXH hay Sở LĐ-TB-XH ra quyết định thanh tra thì mới chịu nộp. Từ đầu năm đến nay, BHXH TP đã xử phạt hơn 20 đơn vị với tổng số tiền xử phạt hơn 1 tỉ đồng.
Mỗi năm BHXH TP thanh tra 400 đơn vị, kiểm tra hơn 2.850 đơn vị, thanh tra liên ngành 1.280 đơn vị, DN nợ BHXH. Số này so với các đơn vị nợ đọng, vi phạm quy định BHXH thì còn quá ít. Do lực lượng làm công tác thanh tra còn mỏng, công tác tuyên truyền của cơ quan BHXH và cơ quan chức năng chưa được thường xuyên.
BHXH TP xử lý thế nào với số nợ hơn 2.880 tỉ đồng?
Ngoài công tác tuyên truyền để DN hiểu trách nhiệm, nghĩa vụ về BHXH, BHXH TP sẽ yêu cầu DN đóng theo quy định. Nếu cố tình không đóng sẽ tiến hành thanh tra, xử lý vi phạm. Biện pháp cuối cùng sẽ làm hồ sơ chuyển cho cơ quan điều tra để xử lý hình sự. Một biện pháp nữa mà chúng tôi đã làm là đăng lên phương tiện truyền thông những DN cố tình chây ì nợ BHXH từ 6 tháng trở lên.
Gửi hồ sơ 3 tháng, công an vẫn đang xem xét
Mức độ vi phạm nào, số tiền BHXH không đóng bao nhiêu sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra?
tin liên quan
Đề nghị xử lý hình sự 2 doanh nghiệp nợ BHXH
Theo quy định, những đơn vị trốn đóng hay nợ đọng BHXH sẽ bị truy tố. Còn quy định nợ bao nhiêu tiền sẽ bị truy tố thì trong điều 216 bộ luật Hình sự đã quy định rõ. Cụ thể, đơn vị không đóng BHXH cho bất cứ NLĐ nào dù nợ ít thì cũng phải xem xét xử lý hình sự; đơn vị nợ BHXH từ 6 tháng trở lên với số tiền nợ từ 100 triệu đồng cũng sẽ bị xử lý hình sự. Việc xử lý hình sự được thực hiện từ tháng 1.2018 và thủ tục không có gì khó khăn cả. Trước đó cơ quan BHXH đã tổ chức thanh tra, xử lý vi phạm rồi nhưng đơn vị sử dụng lao động vẫn cố tình không chấp hành thì BHXH sẽ gửi hồ sơ qua cơ quan công an.
Vậy từ đầu năm đến nay, ngoài hồ sơ Công ty Nam Phương thì có đề xuất xử lý hình sự đối với đơn vị nào khác?
Duy nhất cả nước chỉ có BHXH TP gửi hồ sơ Công ty Nam Phương cho cơ quan công an. Công ty này nợ hơn 27,8 tỉ đồng BHXH với thời gian dài, chủ có dấu hiệu bỏ trốn. Hồ sơ đã được gửi cho Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (PC46) Công an TP cách đây 3 tháng và hiện bên đó đang xem xét.
Công nhân Công ty Nam Phương ngừng việc, tập trung trước công ty khi chủ công ty này “biến mất” Ảnh: Hải Nam
Luật đã có, nhưng xử lý hình sự DN trốn đóng BHXH có vẻ chưa quyết liệt?
Tôi nghĩ, do quy định còn mới nên chưa quen cách làm thôi. Giống như thuế được xử lý hình sự từ lâu rồi nên giờ đã quen; còn BHXH về thủ tục xử lý hình sự cũng như thuế. Nếu các cơ quan tố tụng quyết liệt cùng vào cuộc, tôi tin chắc sẽ xử lý hình sự được.
Khoảng 2.000 tỉ đồng không có khả năng thu hồi
Theo thống kê của BHXH TP, có gần 30.000 DN với 242.000 lao động ở TP không tham gia BHXH. Trên cả nước, tính đến tháng 4.2018, tổng số nợ BHXH của cả nước hơn 10.000 tỉ đồng. Ngoài ra, cả nước hiện có khoảng 8.000 DN “mất tích”, với nợ BHXH khoảng 2.000 tỉ đồng. BHXH VN đánh giá số nợ này rất khó đòi, thậm chí không có khả năng thu hồi.
Ông Phan Văn Mến cho biết trước năm 2016, cơ quan BHXH ở TP khởi kiện ra tòa hàng chục vụ DN chây ì đóng BHXH. Nhưng từ năm 2016 trở lại đây khi thực hiện luật BHXH (sửa đổi) thì quyền khởi kiện giao cho công đoàn. Tuy nhiên, khi các vụ kiện do công đoàn đại diện khởi kiện đưa sang thì tòa án TP, quận, huyện không thụ lý hồ sơ. Lý do đang vướng mắc thủ tục giữa Tổng liên đoàn Lao động và TAND tối cao. TAND tối cao cho rằng NLĐ trực tiếp bị xâm hại quyền lợi thì phải đứng ra trực tiếp khởi kiện, còn công đoàn khởi kiện thì phải có ủy quyền của NLĐ. Tuy nhiên, hầu hết NLĐ không ủy quyền dẫn đến thủ tục không đầy đủ và không được tòa án thụ lý hồ sơ. Do đó, từ năm 2016 đến nay, tòa án cả nước không thụ lý hồ sơ về kiện BHXH chứ không riêng gì tòa án TP, Đồng Nai, Bình Dương.
Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật, Liên đoàn Lao động TP, cho biết trung tâm đã phối hợp với công đoàn các KCX – KCN, các cấp và địa phương hướng dẫn thủ tục và sẵn sàng hỗ trợ, đại diện cho công nhân khởi kiện nhưng rất ít NLĐ chịu ủy quyền cho công đoàn khởi kiện. Như trường hợp Công ty Nam Phương, đến nay vẫn không có NLĐ nào chịu ký ủy quyền và nộp đơn khởi kiện vì ngại va chạm, thủ tục kiện rườm rà, kéo dài, ủy quyền phải mất phí…