Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, các bệnh viện và cơ quan bảo hiểm xã hội đang có mẫu thuẫn, tranh cãi, trong đó, phía bảo hiểm xã hội cho rằng bệnh viện còn nhiều nơi chỉ định dịch vụ điều trị không phù hợp; phía bệnh viện lại phàn nàn bảo hiểm xã hội giám định, xuất toán không đúng, không đủ năng lực. “Tuy nhiên, các bệnh viện cũng cần kiểm soát sử dụng dịch vụ, vì vẫn còn tình trạng chỉ định quá mức các dịch vụ xét nghiệm; chụp chiếu gây bội chi không hợp lý”.
Bà Tiến khẳng định, các mâu thuẫn này sẽ khẩn trương tháo gỡ để đạt được đích cuối cùng là người bệnh được đảm bảo quyền lợi tối đa. Việc chỉ định quá mức dịch vụ y tế cần được khắc phục.
Tuy nhiên, bà Tiến cho rằng, việc quỹ bảo hiểm y tế kết dư như thời gian qua tưởng là tốt, nhưng thực ra cũng không phải hay, vì kết dư là nhiều người chưa được tiếp cận dịch vụ y tế, nhiều kỹ thuật cao chưa đến với người bệnh có nhu cầu. Nhưng các bệnh viện nếu không kiểm soát sử dụng dịch vụ y tế hiệu quả, thì kết dư này cũng chỉ được vài ba năm, do phải bù đắp cho bội chi. Riêng 2017 ước bội chi là 10.000 tỉ đồng.
Liên quan đến giám định – xuất toán bất hợp lý, đại diện Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần củng cố nhân lực giám định, cán bộ giám định của Bảo hiểm xã hội phải được chuẩn hóa từ đại học trở lên, phải có trình độ y, dược, phải có chứng chỉ hành nghề thì giám định mới chính xác. Việc này cũng tương tự như bác sĩ, dược sĩ hành nghề phải có chứng chỉ vậy.
tin liên quan
Bất đồng về việc giao dự toán chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế
Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam có công văn gửi Bộ Y tế phản hồi việc cho rằng giao dự toán chi khám chữa bệnh (KCB) BHYT cho các cơ sở KCB năm 2017 là không đúng thẩm quyền, không đúng quy định của luật BHYT.
Tuy nhiên, ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) nêu rõ, hệ thống phần mềm dữ liệu của cơ quan đã cơ bản đáp ứng yêu cầu giám định khám bảo hiểm y tế, phát hiện được các lỗi mà phía bệnh viện phải chấp nhận. Ví dụ như, nhiều bệnh viện chia nhỏ phẫu thuật để thanh toán nhiều lần, tăng chi phí. Có trường hợp mổ tim từ 5 triệu đồng nhưng tách nhỏ nên “đội giá” lên 80 triệu đồng. Có bệnh viện tuyến huyện công suất sử dụng giường bệnh từ 40%, nay đã lên đến 280% do kéo dài ngày điều trị, sau khi giá thanh toán cho ngày giường điều trị đã nâng cao. Đặc biệt, ở khu vực bệnh viện công, nhiều bệnh viện có ngày điều trị bệnh lên đến 5 – 7 ngày/bệnh nhân, trong khi mức trung bình là 3,5 ngày với cùng tuyến điều trị.
Ông Đức cho hay, dịch vụ bị lạm dụng trong chỉ định điển hình là nội soi tai mũi họng. Các bệnh nhân đau đầu, nấm da, viêm bờ mi… cũng được chỉ định nội soi tai mũi họng. “Thậm chí, không ít trường hợp, phía bệnh viện chia nhỏ dịch vụ trên một ca bệnh để thanh toán thêm, do đó nhiều bệnh nhân phải có đến hai bao quy đầu, hoặc hai túi mật, nếu thực sự đã thực hiện đầy đủ các dịch vụ như bệnh án thể hiện”, ông Đức nói.
Nguồn: thanhnien.vn