Ngày 3.8, ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, trong 5 năm (2012-2017), với sự phối hợp của cơ quan công an, nhiều vụ việc trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã được phát hiện. Các hình thức trực lợi ngày càng “chuyên nghiệp”: lập hồ sơ khống; giả giấy tờ để hưởng tiền chế độ ốm đau, thai sản; kê khống người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế để trục lợi tiền thuốc.
Thậm chí tại tỉnh Bắc Kạn có nhân viên thuộc Trung tâm y dược cổ truyền lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế với hình thức kê đơn thuốc cho người bệnh là thuốc bắc, nhưng khi phát thuốc cho bệnh nhân thì đổi thành thuốc nam vì thuốc bắc có giá trị cao hơn thuốc nam, số tiền chênh lệch là 274 triệu đồng.
Cơ quan Bảo hiểm xã hội các địa phương phối hợp với công an và các cơ quan có liên quan ở địa phương đã thực hiện 835 cuộc thanh tra, kiểm tra, xác minh liên ngành tại 2.308 đơn vị. Qua đó, yêu cầu chủ sử dụng lao động làm thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cho 4.812 lao động thuộc diện phải tham gia bảo hiểm y tế; thực hiện khắc phục tiền nợ và truy thu (gồm cả tiền lãi chậm đóng) với số tiền là 576.073 triệu đồng; yêu cầu truy thu 17.043 triệu đồng tiền truy đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm y tế và tiền chi sai do lạm dụng các chế độ.
tin liên quan
‘Cắt nát’ bệnh nhân để tính dịch vụ thanh toán với Bảo hiểm y tế
Tại nhiều bệnh viện có hiện tượng ‘cắt nát’ bệnh nhân để tính thanh toán với BHYT. Trên một phim X.Quang chụp cẳng chân bệnh nhân nhìn rõ xương cổ chân, xương khớp gối… nhưng có BV yêu cầu thanh toán 3 dịch vụ khác nhau.
Trong quá trình triển khai đôn đốc thu hồi, số tiền đã khắc phục nợ là 252.797 triệu đồng; đồng thời đã thu hồi được 6.447 triệu đồng tiền truy đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, tiền chi sai do lạm dụng các chế độ bảo hiểm xã hội; đã thu hồi số tiền 3.134 triệu đồng do chi sai, lạm dụng các chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng cho biết, nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ giải thể, phá sản, ngừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô, dẫn đến tình trạng nợ khó thu trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế khiến việc xử lý vấn đề này còn khó. Trong thời gian tới, cơ quan này đề nghị Tổng cục Cảnh sát tăng cường chỉ đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng C46, Phòng Cảnh sát kinh tế PC46… hỗ trợ các đơn vị thuộc hệ thống bảo hiểm xã hội trong việc thu hồi nợ đọng, chậm đóng của các doanh nghiệp và phối hợp xử lý những hành vi cố tình trốn đóng bảo hiểm xã hôi, lạm dụng và trục lợi quỹ.
Nguồn: thanhnien.vn