Hôm qua (12.5), TVQH cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần. Báo cáo TVQH, Bộ trưởng LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền tóm tắt vấn đề: Điều 60 của luật BHXH năm 2014 (có hiệu lực từ 1.1.2016) quy định người lao động (NLĐ) không được nhận hỗ trợ một lần ngay sau khi nghỉ việc như luật cũ mà phải đợi đến tuổi nghỉ hưu. Trong thời gian chấm dứt hợp đồng, NLĐ được hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, tư vấn việc làm… Đến khi trở lại làm việc, thời gian đóng BHXH sẽ được cộng dồn, tích lũy đủ để đến tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu theo quy định.
Không đồng tình với quy định trên, đầu năm 2015, hàng ngàn lao động Công ty Pou yuen ở TP.HCM đã ngừng việc tập thể để phản đối. Lãnh đạo Bộ đã phải đối thoại với công nhân, cam kết tiếp thu những góp ý và kiến nghị sửa luật.
Tiếp thu này được cụ thể hóa bằng tờ trình lên TVQH với nội dung: Trước mắt, cho phép NLĐ khi chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu sau một năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng thì có quyền lựa chọn hưởng một lần hoặc tiếp tục bảo lưu thời gian đóng BHXH như quy định của luật BHXH năm 2006. Tuy nhiên, sau đó cần có lộ trình để nâng dần điều kiện thời gian nghỉ việc từ 2 – 3 năm mới được nhận BHXH một lần.
Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đặt vấn đề: Tại sao chỉ có một bộ phận NLĐ tại một công ty phản đối quy định trên. Liệu một bộ phận đó có đủ để đại diện cho NLĐ cả nước để QH phải sửa luật – một dự luật được đánh giá đúng với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Một dự luật hướng tới chiến lược an sinh lâu dài cho NLĐ, không để người dân khi về già rơi xuống tầng đáy của xã hội vì nghèo khổ.
Cho rằng QH được bầu ra là để sửa luật nhưng Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng tất cả báo cáo tại phiên họp của Chính phủ, rồi thẩm tra và trước đó thường trực Chính phủ đã họp khẳng định luật này đúng tại sao phải sửa? Biểu tình, bức xúc do công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật không tốt. Theo Chủ tịch QH, khi đụng chạm lợi ích NLĐ phản ứng trước, mặc dù luật chưa áp dụng. “Cần kiên trì thuyết phục, vận động còn nếu luật không tốt xin nhận khuyết điểm và tiếp thu ngay”, Chủ tịch QH nói và yêu cầu từ nay đến cuối năm cần tuyên truyền, triển khai thực thi luật. Trong trường hợp làm không được thì tìm nguyên nhân để khắc phục, kể cả sửa luật.
Ý kiến nhân dân là quyết định cuối cùng
Cũng tại phiên họp hôm qua, TVQH cho ý kiến dự án luật Trưng cầu ý dân với 9 chương, 56 điều. Dự thảo luật có 7,5 triệu lượt người dân góp ý. Thảo luận về dự luật, các ý kiến trong TVQH còn băn khoăn về phạm vi và quy mô tiến hành trưng cầu ý dân, giá trị pháp lý của kết quả trưng cầu ý dân. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng một số việc không thể trưng cầu ý dân được, chẳng hạn các vấn đề liên quan đến sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, hoặc vai trò lãnh đạo của Đảng. Một số ý kiến đề nghị làm rõ quyền quyết định trưng cầu ý dân về một số vấn đề hệ trọng thuộc về người dân hay QH.
Thảo luận về bộ luật Dân sự sửa đổi vào buổi sáng cùng ngày, TVQH cũng chưa thống nhất được quy định nên giữ hay bỏ lãi suất cơ bản làm căn cứ xác định tội cho vay nặng lãi. Trong dự thảo luật, điều 483 có quy định các bên khi vay mượn với nhau được thỏa thuận lãi suất nhưng không được vượt quá 200% lãi suất cơ bản do ngân hàng nhà nước công bố. Luật cũ quy định là 150%. Bộ luật Hình sự quy định người phạm tội cho vay nặng lãi nếu cố tình cho vay vượt lãi suất cơ bản. Tuy nhiên, điều này mâu thuẫn với luật Các tổ chức tín dụng về nguyên tắc được phép thỏa thuận lãi suất khi cho vay. Các ý kiến cho rằng cần phải thống nhất quan điểm hoặc giữ hoặc bỏ. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng nên có lãi suất cơ bản để điều chỉnh hành vi cho vay nặng lãi. Tuy nhiên, tỷ lệ không nên giữ 200% mà tính toán trong phạm vi 150% đến dưới mức này. Ngoài ra, ngân hàng nhà nước không cần công bố định kỳ mà căn cứ vào diễn biến của thị trường tiền tệ.
Không công nhận cũng không cấm chuyển đổi giới tính Sáng 12.5, TVQH cho ý kiến về dự thảo bộ luật Dân sự (sửa đổi), trong đó nổi lên vấn đề chuyển đổi giới tính. Dự luật đề xuất hai phương án, một là việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật; hai là nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính, Chính phủ cho rằng phương án thứ nhất là hợp lý. Chốt phiên thảo luận, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết các đại biểu thống nhất tách rõ quyền xác định giới tính và chuyển đổi giới tính. Với quy định chuyển đổi giới tính, xác định nguyên tắc nhà nước không thừa nhận cũng không cấm, nhưng phải giải quyết hậu quả của nó. |
Nguồn: thanhnien.vn