Tính đến cuối năm 2014, số tiền các tổ chức, doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp lên tới hơn 12.000 tỉ đồng. Theo Bảo hiểm xã hội VN, số nợ này khiến quyền lợi của hơn 700.000 lao động bị ảnh hưởng.
Những con số ấy rất khô khan, nhưng sự thực nó mang một nội hàm đáng suy ngẫm về an sinh xã hội, về việc thực thi, chấp hành pháp luật. Câu chuyện ở đây là tình trạng đã kéo dài nhiều năm, với số tiền lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng và hậu quả sẽ nghiêm trọng, do vậy buộc chúng ta không thể chậm trễ nhìn nhận lại các chế tài luật pháp.
Có hai trường hợp chây ì đóng BHXH cho người lao động: có thể do kinh tế khó khăn, doanh nghiệp làm ăn bết bát, người lao động thậm chí không có lương. Nhưng thanh tra lao động đã từng chỉ ra rằng, đa phần trong số nợ kể trên là cố tình chây ì để tránh đóng 17% của doanh nghiệp, trong khi hằng tháng vẫn trích 6% lương của người lao động nói là “đóng bảo hiểm xã hội”.
Hiện tại, theo điều 9 Nghị định số 86/2010/NĐ-CP quy định phạt tiền đối với trường hợp chậm đóng BHXH, nhưng tối đa không quá 30 triệu đồng. Mức phạt này rõ ràng là quá thấp, tất yếu nảy sinh tâm lý chiếm dụng tạm thời số tiền đóng BHXH để sử dụng sai mục đích.
Bộ luật Tố tụng dân sự có cho phép cơ quan BHXH khởi kiện doanh nghiệp để yêu cầu nộp tiền BHXH. Trên thực tế, đã có nhiều vụ kiện dạng này, nhưng kết quả thu lại chẳng được bao nhiêu. Theo số liệu của Bộ Tư pháp, trong 4 năm (2010 – 2014) cơ quan BHXH đã khởi kiện 3.976 doanh nghiệp với số nợ là 1.788 tỉ đồng. Tuy nhiên, tổng số tiền thu được chỉ đạt trên 736 tỉ. Có nghĩa là rất nhiều bản án, quyết định của tòa không được thi hành.
Có thể khởi kiện hình sự, truy tố đối với người đại diện pháp luật của doanh nghiệp có hành vi chây ì đóng BHXH được không là vấn đề hiện gây tranh cãi. Có nhiều ý kiến cho rằng, do bộ luật Hình sự không quy định tội danh liên quan đến BHXH nên không có căn cứ để khởi kiện hình sự.
Trên thực tế, chưa cần phải chờ “sửa luật” như nhiều người đề nghị, hoàn toàn có thể vận dụng để xử lý hình sự trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng. Đối với những doanh nghiệp đã trích giữ số tiền 6% lương của người lao động mà không nộp cho BHXH, có thể coi là hành vi “chiếm giữ trái phép tài sản” (điều 141 bộ luật Hình sự). Và người lao động chính là bị hại trong vụ án bị xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp. Cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra về hành vi này và truy tố theo pháp luật.
Vấn đề thu đúng, thu đủ BHXH không chỉ là câu chuyện vỡ quỹ BHXH sau năm 2024 như cảnh báo mà cái chính là để đảm bảo quyền lợi của người lao động và cao hơn là bảo đảm sự nghiêm minh của luật pháp.
Nguồn: thanhnien.vn