Ngọc Mai (ngụ quận 10) bị suy thận mạn tính gần 6 năm nay. Gần đây, đơn vị lọc thận tại các bệnh viện đều quá tải, Mai không đăng ký được nơi chạy thận định kỳ. Các bệnh viện gần nhà Mai đều ưu tiên xếp lịch chạy thận cho bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu tại bệnh viện.
Do đó, sau Tết, Mai tính thay đổi nơi đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu từ Trung tâm Y tế quận 10 sang một bệnh viện đầu ngành nhưng không được. Mai cho hay: “Nhân viên Bảo hiểm xã hội quận 10 hướng dẫn tôi sang đầu tháng 4 mới làm được”.
Tương tự như Mai, ông Lợi muốn thay đổi nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu để tiện cho việc khám chữa bệnh đúng tuyến gần nơi mình ở. Tuy nhiên, khi ông chọn vào danh sách các cơ sở khám chữa bệnh ban đầu nơi mình cư trú thì nhận được kết quả là không chuyển được vì nơi ông đăng ký đã quá tải, không nhận thêm.
Vì lý do mỗi quý chỉ được đăng ký thay đổi nơi khám chữa bệnh BHYT ban đầu một lần nên ông Lợi muốn đăng ký lại nơi khác không được, phải chờ đến quý sau.
Ông Lợi thắc mắc: “Tôi phải mất 2 quý là 6 tháng mới chuyển nơi khám chữa bệnh được, rất mất thời gian. Có điều khoản nào quy định mỗi quý chỉ được đăng ký chuyển nơi khám chữa bệnh một lần hay không? Tôi có thể tra cứu danh sách các cơ sở khám chữa bệnh BHYT ban đầu chưa quá tải ở đâu?”.
Về việc thay đổi cơ sở khám chữa bệnh BHYT ban đầu, BHXH Việt Nam cho biết: “Khoản 2 Điều 26 Luật BHYT quy định người tham gia BHYT được thay đổi cơ sở đăng ký khám chữa bệnh ban đầu vào đầu mỗi quý”.
Còn về danh sách các cơ sở khám chữa bệnh BHYT nhận đăng ký ban đầu, BHXH Việt Nam cho biết: “Danh sách được liên ngành BHXH – Sở Y tế thống nhất ký vào đầu mỗi năm và được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử Sở Y tế và Cổng thông tin điện tử BHXH của địa phương đó”.
Nếu không biết cách tra cứu trực tuyến, vào tháng đầu của mỗi quý trong năm, người tham gia BHYT có thể đến cơ quan BHXH (nơi phát hành thẻ BHYT của mình) để được cung cấp danh sách và lựa chọn cơ sở y tế phù hợp cho mình.
Nguồn: dantri.com.vn