Trao đổi tại chương trình giao lưu với cơ quan BHXH, anh Thịnh (ngụ TPHCM) đặt câu hỏi: “Con tôi có thẻ BHYT học sinh. Mới đây, con tôi bị bệnh phải đi khám và điều trị tại bệnh viện đúng tuyến. Tuy nhiên, thẻ BHYT của cháu đã bị thất lạc và tôi phải tự thanh toán chi phí điều trị. Cho tôi hỏi, trường hợp này tôi có được cơ quan BHXH chi trả lại viện phí không?”.
Trả lời tại chương trình, ông Lương Đình Thới, Phó trưởng phòng Giám định BHYT 1 (BHXH TPHCM), cho biết: “Theo quy định tại khoản 4 Điều 30 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, người có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh tại nơi đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu nhưng không xuất trình thẻ BHYT thì được cơ quan BHXH thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh”.
Theo đó, cơ quan BHXH sẽ thanh toán theo chi phí thực tế trong phạm vi được hưởng và mức hưởng BHYT nhưng tối đa không quá 0,15 lần mức lương cơ sở (đối với trường hợp khám chữa bệnh ngoại trú) và tối đa không quá 0,5 lần mức lương cơ sở (đối với trường hợp khám chữa bệnh nội trú).
Trong trường hợp của con anh Thịnh, ông Thới hướng dẫn cần mang hồ sơ đến cơ quan BHXH cấp huyện, nơi gia đình anh Thịnh cư trú để được giải quyết.
Hồ sơ gồm có: Bản chụp các loại giấy tờ (mang theo bản gốc để đối chiếu) như thẻ BHYT, giấy tờ chứng minh nhân thân có ảnh, phiếu khám bệnh hoặc sổ khám bệnh của lần khám chữa bệnh đề nghị thanh toán; bản chính hóa đơn và các chứng từ có liên quan.
Ông Thới lưu ý anh Thịnh nên liên hệ với cơ quan BHXH để cấp lại thẻ BHYT cho con, sử dụng cho những lần khám bệnh sau.
Ngoài ra, trong trường hợp thất lạc thẻ BHYT, người dân cũng có thể trình các loại giấy tờ khác thay thế như hình ảnh thẻ BHYT trong ứng dụng VssID, căn cước công dân gắn chíp… Như vậy, người tham gia BHYT có thể được hưởng quyền lợi cao nhất theo quy định.
Nguồn: dantri.com.vn