Theo tờ trình dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi của Chính phủ, dự thảo luật đã bổ sung một chương về trợ cấp hưu trí xã hội.
Cụ thể, công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp xã hội hằng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Theo tính toán của cơ quan soạn thảo, việc giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi theo quy định hiện nay xuống còn 75 tuổi sẽ có thêm 800.000 người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm y tế. Mức trợ cấp hằng tháng được đề xuất là 500.000 đồng/người/tháng (thay vì mức 360.000 đồng/người/tháng hiện nay).
Điểm mới trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi là phương án hỗ trợ người tham gia bảo hiểm nhưng chưa đủ thời gian đóng để nhận lương hưu (dưới 75 tuổi – chưa đủ tuổi nhận trợ cấp hưu trí xã hội), được chọn nhận trợ cấp hằng tháng.
Trợ cấp này được căn cứ từ thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội, mức hưởng thấp nhất bằng trợ cấp hưu trí xã hội (theo đề xuất là 500.000 đồng).
Về cách tính mức trợ cấp này, cơ quan soạn thảo đang có hai phương án. Thứ nhất, mức trợ cấp hưu trí xã hội sẽ bằng khoản hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Thứ hai, khoản trợ cấp này bằng tổng tiền đóng của lao động và chủ doanh nghiệp vào Quỹ hưu trí tử tuất. Tổng mức đóng hàng năm tính bằng 2,64 tháng lương.
Công thức tính thời gian hưởng trợ cấp phụ thuộc vào từng phương án và sẽ được nêu rõ trong các văn bản hướng dẫn nếu đề xuất được thông qua.
Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) Nguyễn Duy Cường cho hay, trong hai phương án, tính toán mức trợ cấp hưu trí xã hội bằng 2,64 tháng lương có lợi hơn cho người lao động vì cao hơn 0,64 tháng lương mỗi năm so với phương án đầu tiên.
Chính sách này không áp dụng cho lao động rút hoàn toàn khỏi hệ thống.
Như vậy, người lao động có 5 năm đóng bảo hiểm xã hội được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng ngay khi đủ tuổi nghỉ hưu thay vì phải chờ đến 75 tuổi.
Tiền trợ cấp hằng tháng trong trường hợp này do Quỹ bảo hiểm xã hội chi trả từ tiền đóng của người lao động và người sử dụng lao động.
Theo cơ quan soạn thảo, quy định này nhằm gia tăng đối tượng hưởng trợ cấp hằng tháng mà không phát sinh tăng nhiều ngân sách nhà nước. Ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ bảo hiểm y tế, còn trợ cấp hằng tháng do Quỹ bảo hiểm xã hội đảm bảo từ thời gian đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.
Đánh giá tác động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, việc tăng mức trợ cấp hằng tháng với người cao tuổi từ 75 tuổi trở lên từ 360.000 đồng lên thành 500.000 đồng thì kinh phí phát sinh thêm ước tính vào khoảng hơn 7.100 tỷ đồng/năm.
Trong đó, số tiền hỗ trợ giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi là 5.000 tỷ đồng, điều chỉnh mức trợ cấp hằng tháng từ 360.000 đồng thành 500.000 đồng là 2.100 tỷ đồng.
Ước tính hiện nay có khoảng 1,2 triệu người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khác đang hưởng trợ cấp xã hội.
Khi giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 xuống 75 sẽ có thêm khoảng hơn 700.000 người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Nguồn: dantri.com.vn