Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành kinh doanh, đầu tư, Cole Sirucek, đồng sáng lập và CEO của DocDoc, một công ty tiên phong về giải pháp sức khỏe, bảo hiểm ứng dụng AI, nhận định Đông Nam Á nằm trong các thị trường sôi động nhất về insurtech.
Dẫn chứng cho tiềm năng to lớn của công nghệ bảo hiểm tại khu vực này, Cole Sirucek cho biết, tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm trong năm 2019 đối với lĩnh vực kinh doanh phi nhân thọ ở Indonesia, Philippines và Việt Nam dưới 1 %. So sánh với mức trung bình toàn cầu là 3,88%, con số này là minh chứng cho thấy dư địa phát triển của thị trường bảo hiểm khu vực trong tương lai.
Bên cạnh đó, dự đoán năm tới, với thêm 50 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu, khu vực Đông Nam Á sẽ có tổng cộng hơn 350 triệu người với mức thu nhập 300 tỷ USD. Cùng với tỷ lệ 70% dân số Đông Nam Á sử dụng Internet, đây là mảnh đất màu mỡ cho công nghệ bảo hiểm phát triển.
“Một tầng lớp trung lưu hiểu biết về công nghệ, kỹ thuật số đang nổi lên nhanh chóng, đặt ra những nhu cầu tiêu dùng khác biệt hơn trước rất nhiều. Câu hỏi là ai sẽ tận dụng cơ hội to lớn này, những công ty bảo hiểm lâu đời hay những cái tên mới gia nhập thị trường?”, Cole Sirucek nói.
Cũng theo chuyên gia, khu vực Đông Nam Á thiếu nhiều giải pháp chăm sóc sức khỏe hợp lý, với nhiều bất cập liên quan đến chi phí y tế, đặc biệt là lạm phát y tế. Năm 2021, dự kiến chi phí y tế khu vực sẽ tăng hơn 10 lần so với mức trung bình toàn cầu. Đây cũng là yếu tố thúc đẩy nhu cầu sử dụng bảo hiểm của người tiêu dùng trong khu vực.
Theo Bain & Company, công ty tư vấn quản lý có trụ sở tại Mỹ, các đơn vị bảo hiểm đang thiếu giải pháp cho khách hàng ở các lứa tuổi khác nhau, đặc biệt là một thế hệ trẻ số năng động, những người có nhu cầu cao về tính cá nhân hóa, tiết kiệm thời gian, ưa dùng điện thoại thông minh và máy tính bảng.
Economist từng chỉ ra, xếp hạng 1.000 công ty đại chúng đứng đầu thế giới về số tiền đổ vào R&D, không có cái tên nào trong ngành bảo hiểm. Trên thực tế, các công ty bảo hiểm phân bổ trung bình 3,6% doanh thu cho công nghệ. Theo xếp hạng đổi mới của BCG, lĩnh vực bảo hiểm đứng thứ hai từ dưới lên.
Thành lập một công ty bảo hiểm đòi hỏi lượng vốn lớn, các yêu cầu pháp lý đáng kể. Nhưng các ngành công nghiệp tái bảo hiểm, cổ phần tư nhân và môi giới bảo hiểm đều nhìn thấy cơ hội để kích hoạt sự đổi mới trong hệ thống. Minh chứng là có một làn sóng các công ty hỗ trợ insurtech ở Mỹ và Châu Âu dịch chuyển tới châu Á để trở thành công ty bảo hiểm có giấy phép riêng – full-stack insurtechs (khác với đại lý bảo hiểm – hoạt động dựa trên hợp tác với công ty bảo hiểm).
“Nhiều công ty hỗ trợ insurtech ở Đông Nam Á có điều kiện thuận lợi đáng ngạc nhiên để chuyển đổi thành các full-stack insurtechs. Điểm chung là sự am hiểu công nghệ, sẵn sàng chấp nhận rủi ro và học hỏi từ những thất bại. Kiến thức chuyên môn về lĩnh vực song song với bộ máy chuyển đổi linh hoạt chính là lợi thế cạnh tranh của các công ty công nghệ bảo hiểm”, Cole Sirucek nhận định.
Phong Vân (The Thefintechtimes)
Nguồn: vnexpress.net