Ngày 15/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Singapore Lawrence Wong đưa ra nhận định, ngành bảo hiểm có thể giúp nền kinh tế châu Á vượt qua những tác động của biến đổi khí hậu và quá trình chuyển đổi số.
Đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn hoạt động kinh tế toàn cầu, làm rõ những hạn chế của cơ sở hạ tầng xã hội và y tế. Điều này diễn ra song song khi thế giới phải đối mặt với những thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu và rủi ro an ninh mạng. Tuy nhiên, châu Á vẫn dẫn đầu toàn cầu về tăng trưởng kinh tế, nhiều triệu phú xuất hiện và quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng.
Ông Lawrence Wong phát biểu tại hội nghị trực tuyến: “Khi châu Á phát triển, sức khỏe con người và tài sản cần được bảo vệ hơn. Đặc biệt, thị trường bảo hiểm của khu vực đang tăng trưởng gần gấp đôi so với toàn cầu, ước tính 8% mỗi năm cho đến năm 2030”.
Bộ trưởng còn cho biết, tương lai khắc phục tình trạng biến đổi khí hậu phụ thuộc nhiều vào châu Á, nơi chiếm hơn một nửa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu. Châu Á cũng chiếm 55/163 thảm họa thiên nhiên trên toàn thế giới trong nửa đầu năm nay, gây thiệt hại về kinh tế 24 tỷ USD. Các nền kinh tế mới nổi chiếm 5/10 quốc gia hàng đầu ở châu Á bị ảnh hưởng nhiều nhất do biến đổi khí hậu.
“Biến đổi khí hậu sẽ làm tăng tần suất và cường độ của các thảm họa thiên nhiên, tạo khoảng cách lớn hơn giữa biện pháp bảo vệ với các thảm họa này”, ông Wong nói.
Ngành bảo hiểm đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai các giải pháp loại trừ rủi ro. Quỹ Bảo hiểm Rủi ro Thiên tai Đông Nam Á là ví dụ điển hình cung cấp các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu cho các quốc gia thành viên ASEAN.
Ông Wong cho biết: “Singapore sẽ hỗ trợ sự phát triển của dịch vụ chứng khoán liên kết bảo hiểm (ILS) ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương thông qua cơ chế pháp lý và quản lý, cũng như chuyên môn ngày càng tăng của các nhà cung cấp dịch vụ ILS”. Ông lưu ý, có 18 ILS được ban hành trong 3 năm qua, bao gồm bão, lũ lụt trên khắp châu Á và Australia.
Các công ty bảo hiểm cũng có thể cung cấp các giải pháp tài chính giúp giảm thiểu rủi ro và triển khai các giải pháp công nghệ, cơ sở hạ tầng thân thiện hơn với khí hậu trong khu vực. Công nghệ và dữ liệu lớn cũng giúp các công ty bảo hiểm trong lĩnh vực phòng ngừa rủi ro.
Nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ đã bắt đầu theo dõi sức khỏe và thói quen người dùng thông qua các thiết bị và ứng dụng thể dục. Dữ liệu sau đó được sử dụng để định giá chiết khấu hợp đồng từ thói quen lành mạnh của họ. Tuy nhiên, nhiều công ty bảo hiểm vẫn bị đè nặng bởi vấn đề công nghệ cũ. Họ cần nhận sự trợ giúp từ các công ty công nghệ để chuyển đổi số.
Ông Wong nêu rõ, thị trường bảo hiểm mạng cũng có nhiều cơ hội để phát triển trong bối cảnh rủi ro an ninh mạng đang gia tăng. Đặc biệt, châu Á chiếm hơn 1/4 các cuộc tấn công mạng toàn cầu trong năm nay.
“Các cuộc tấn công mạng không chỉ làm hỏng tài sản công nghệ của công ty mà còn gây tổn thất về tài chính và danh tiếng, hạn chế tăng trưởng kinh doanh trong tương lai”, Bộ trưởng Tài chính Singapore nhấn mạnh.
Một số công ty bảo hiểm mạng đang nâng cao các giải pháp chống rủi ro mạng, bao gồm đánh giá rủi ro và cấp vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ – một phân khúc chưa được đề cập trong thị trường bảo hiểm mạng.
Nguồn: vnexpress.net