Theo dự báo mới của Swiss Re Institute, khoảng giữa năm 2022, phí bảo hiểm toàn cầu sẽ đạt kỷ lục mới, vượt 7.000 tỷ USD. Kỷ lục này phản ánh nhu cầu bảo vệ và nhận thức của con người về rủi ro sức khỏe ngày càng tăng.
Sự phục hồi mạnh mẽ do đại dịch Covid-19 cũng hỗ trợ triển vọng tăng trưởng của ngành bảo hiểm. Tuy nhiên, mức tăng dự kiến sẽ chậm lại trong 2 năm tới do khủng hoảng giá năng lượng, các vấn đề về nguồn cung kéo dài và rủi ro lạm phát, theo Swiss Re Institute.
Biến đổi khí hậu và số hóa sẽ là các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến xu hướng bảo hiểm trong tương lai. Ngành bảo hiểm có thể hỗ trợ quá trình chuyển đổi kinh tế xanh bằng cách khắc phục những thiệt hại do thiên tai và thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng bền vững. Một xu hướng quan trọng khác là chỉ số kinh tế xã hội của các quốc gia phân hóa ngày càng sâu sắc, dẫn đến nguy cơ giá bảo hiểm sẽ giảm.
“Quá trình phục hồi kinh tế chúng ta đang trải qua chỉ mang tính chu kỳ và không mang tính cấu trúc, yếu hơn trước cuộc khủng hoảng Covid-19. Do đó, chúng ta không nên tự mãn”, Jerome Haegeli, nhà kinh tế trưởng thuộc nhóm Swiss Re nói.
Cũng theo ông Jerome, ngành bảo hiểm đóng vai trò quan trọng trong việc giúp xã hội và nền kinh tế linh hoạt hơn. Tuy nhiên, để tăng trưởng đồng đều và bền vững, mọi người đều phải nội dung hóa các chi phí từ biến đổi khí hậu, tác động phân bổ của các chính sách kinh tế đến người dân… Tăng trưởng xanh chỉ bền vững nếu nó mang tính bao trùm.
Nghiên cứu dự đoán tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm 2021 ở mức 5,6%, chậm lại còn 4,1% vào năm 2022 và 3% vào năm 2023. Lạm phát là rủi ro chính trong giai đoạn này, áp lực về giá dự kiến xuất hiện nhiều nhất ở các thị trường mới nổi, Anh và Mỹ.
Trong khi đó, Swiss Re Institute dự đoán, phí bảo hiểm phi nhân thọ toàn cầu sẽ tăng 3,3% vào năm 2021, lên mức 3,7% vào năm 2022 và lùi lại 3,3% trong năm 2023. Phí bảo hiểm y tế toàn cầu dự kiến sẽ tăng do nền kinh tế Mỹ tăng trưởng và nhu cầu thị trường ổn định. Các thị trường bảo hiểm mới nổi được dự đoán sẽ mở rộng mạnh mẽ, trong đó, Trung Quốc được dự đoán tăng trưởng 10% trong 2 năm tới. Ngoài ra, phí bảo hiểm nhân thọ toàn cầu dự kiến tăng 3,5% vào năm 2021, còn 2,9% vào năm 2022 và 2,7% vào năm 2023.
Cú sốc từ đại dịch đã làm nổi bật vai trò của bảo hiểm như một biện pháp giảm thiểu rủi ro tài chính cho các cá nhân, doanh nghiệp và chính phủ. Tuy nhiên, sự gián đoạn chuỗi cung ứng cho thấy con người vẫn cần được bảo vệ tốt hơn.
“Thị trường đang tạo điều kiện để phí bảo hiểm tăng. Tuy nhiên, vấn đề lạm phát trong tất cả các ngành kinh doanh tiếp tục ở Mỹ và lãi suất thấp liên tục sẽ khiến thị trường chững lại”, ông Haegeli nói.
Thanh Thư (theo Insurance Business Australia)
Nguồn: vnexpress.net