Ngày 18.9, đoàn giám sát của HĐND TP.HCM tổ chức giám sát công tác quản lý nhà nước về lao động và việc làm trên địa bàn TP.Thủ Đức giai đoạn 2020 – 2025.
Theo báo cáo, tính đến năm 2024, TP.Thủ Đức có trên 52.290 doanh nghiệp hoạt động, sử dụng 297.458 lao động, với tổng số vốn đăng ký trên 746.511 tỉ đồng. Về loại hình hoạt động của doanh nghiệp, TP.Thủ Đức có 7.992 công ty cổ phần, 23.859 công ty TNHH một thành viên, 18.926 công ty TNHH hai thành viên trở lên và 1.513 doanh nghiệp tư nhân. Về quy mô hoạt động, TP.Thủ Đức có 45.886 doanh nghiệp siêu nhỏ, 5.978 doanh nghiệp nhỏ, 248 doanh nghiệp vừa và 178 doanh nghiệp lớn.
Vận động tham gia BHXH tự nguyện như ‘dã tràng xe cát’
Một số khó khăn mà TP.Thủ Đức gặp phải là nhu cầu đào tạo nghề cho người lao động của doanh nghiệp đa dạng về ngành nghề và trình độ đào tạo, nhưng chính sách chỉ hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên nên chưa đáp ứng hết nhu cầu của doanh nghiệp. Chi phí hỗ trợ đào tạo nghề thấp so với bình quân học phí các nghề đào tạo. Tiếp đó, công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp bậc trung học đi học nghề còn hạn chế do vẫn còn tâm lý phụ huynh vẫn trọng bằng cấp.
Tình hình doanh nghiệp nợ BHXH có diễn biến phức tạp, đặc biệt sau dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp sử dụng đông lao động nợ kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi đóng và hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN, tình trạng cắt giảm lao động gia tăng. Đời sống người dân ngày càng khó khăn, nhiều người dân đã tham gia BHXH tự nguyện tạm dừng đóng vì nhiều lý do.
Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Minh Hòa, Giám đốc BHXH TP.Thủ Đức, cho biết về quản lý đối tượng tham gia BHXH hiện nay, qua các cuộc làm việc giữa BHXH, cơ quan thuế và đơn vị sử dụng lao động, phát hiện ra nhiều lý do các doanh nghiệp dùng để tránh né đóng BHXH cho người lao động.
“Có doanh nghiệp chấm công dưới 14 ngày trong tháng hoặc sử dụng hợp đồng thử việc, hợp đồng học việc để không phải đóng BHXH cho người lao động. Về việc kiểm tra, xử lý các đơn vị nợ đóng BHXH, chúng tôi đều có thông báo nhắc nhở, gửi tin nhắn và làm việc trực tiếp với các đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên”, bà Hòa nói.
Về vấn đề giải quyết rút BHXH một lần, theo bà Hòa, giai đoạn sau dịch Covid-19 xuất hiện tình trạng người dân tập trung đông trước các cơ sở BHXH.
“Là người làm chính sách, chúng tôi rất trăn trở khi mỗi ngày đến cơ quan thấy dòng người xếp hàng từ sáng đến tối để rút BHXH một lần. Trong khi đó, chúng tôi đi vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện thì rất khó, chắt chiu từng trường hợp, có thể nói như là ‘dã tràng xe cát’. Vì vậy, khi luật BHXH sửa đổi được lấy ý kiến và trình Quốc hội trong thời gian qua, nhiều đại biểu đã chọn phương án hạn chế cho người dân rút BHXH một lần đối với trường hợp tham gia từ 1.7.2025, tôi thấy đây là tín hiệu tươi đẹp cho việc thực hiện chính sách thời gian tới”, bà Hòa nhận xét.
Cần có chiến lược xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao
Về vấn đề phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau khi học xong bậc THCS, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó trưởng phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức, cho hay: “Trong chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, bộ môn hướng nghiệp cũng đã được triển khai thực hiện từ chương trình lớp 6. Bên cạnh đó, việc hướng nghiệp còn được lồng ghép vào các môn học khác, công tác hướng nghiệp được các trường phối hợp với các trường nghề rất chặt chẽ. Hằng năm, chúng tôi cũng có đánh giá việc thực hiện hướng nghiệp để có những giải pháp phù hợp để có thể tổ chức đến tất cả trường THCS trên địa bàn”.
Ngoài ra, điểm thuận lợi trong công tác hướng nghiệp tại TP.Thủ Đức là có khu công nghệ cao và trung tâm đổi mới sáng tạo. Theo bà Hiền, đây là hai địa chỉ được các trường THCS đưa học sinh đến tham quan, thông qua đó giúp các em có được định hướng nghề nghiệp sau khi học xong.
“Chúng tôi cũng nhận thấy điểm khó khăn khi phân luồng học sinh là nhận thức của phụ huynh học sinh vẫn còn mong muốn cho con học lên bậc THPT thay vì học nghề sau khi tốt nghiệp THCS. Tiếp đó, tôi cũng mong muốn các trường nghề có thêm đa dạng hơn các ngành nghề đào tạo để đáp ứng nhu cầu lao động, có sự kết nối giữa trường nghề với doanh nghiệp, học sinh học xong có ngay công việc ổn định, thu nhập đáp ứng cuộc sống”, bà Hiền cho biết.
Tổng kết buổi giám sát, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM đánh giá cao sự nỗ lực của TP.Thủ Đức trong công tác quản lý nhà nước về lao động và việc làm. Bà Lệ nhận định, TP.Thủ Đức cần quan tâm hơn đến công tác đào tạo nghề, nhà ở, an sinh xã hội cho người lao động, đặc biệt khi tại đây có rất nhiều lao động nhập cư.
“TP.Thủ Đức cần có kế hoạch chiến lược dài hạn trong phát triển, đào tạo và xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, TP.Thủ Đức cần phát huy mối liên hệ giữa chính quyền và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, TP.Thủ Đức cần đánh giá thêm hiệu quả hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện”, bà Lệ đề nghị.
Về công tác đào tạo nghề, Chủ tịch HĐND TP.HCM đề nghị TP.Thủ Đức có nghiên cứu, mô hình hiệu quả hơn kết nối doanh nghiệp với trường nghề. Cần tránh việc đào tạo xong không sử dụng được người học, gây lãng phí thời gian của người học và người đào tạo. Theo bà Lệ, đào tạo nghề phải gắn với nhu cầu cần có của doanh nghiệp.
Nguồn: thanhnien.vn