Như Thanh Niên thông tin, tại phiên họp 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, khi cho ý kiến về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Bảo hiểm y tế (BHYT), Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chỉ ra vấn đề bức xúc hiện nay là thanh quyết toán BHYT, bảo đảm thuốc cho người dân khi khám chữa bệnh BHYT.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý làm sao phải đảm bảo công bằng, không được phân biệt đối xử giữa khám chữa bệnh dịch vụ và BHYT. Cần rà soát để đảm bảo công bằng, tính toán cụ thể về quyền lợi tài chính và tính khả thi. Lộ trình tiến tới nếu đã mua BHYT thì có thể khám chữa bệnh trong toàn quốc, để đến tỉnh nào, huyện nào đưa thẻ BHYT ra là có thể được khám chữa bệnh, được thanh toán.
Mới đây, tại hội nghị trực tuyến triển khai mở rộng thí điểm sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốc chiều 2.10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ mục tiêu mỗi công dân Việt Nam, kể cả những người chưa có thẻ BHYT đều sở hữu một sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID, tiến tới có bệnh án điện tử.
Thủ tướng giao Bộ Y tế tiếp tục hoàn thiện sổ sức khỏe điện tử qua VNeID, để người dân có thể sử dụng thay thế sổ khám chữa bệnh bằng giấy, hoàn thành trong năm 2024. Đẩy mạnh hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh và người dân thực hiện sổ sức khỏe điện tử qua VNeID… Bảo hiểm xã hội Việt Nam đảm bảo hạ tầng kỹ thuật và hỗ trợ việc liên thông dữ liệu từ các cơ sở khám chữa bệnh để tích hợp hiển thị thông tin sức khỏe lên sổ sức khỏe điện tử VNeID và tiến tới khám chữa bệnh BHYT không phụ thuộc địa giới hành chính.
Giảm gánh nặng cho dân
Đa số bạn đọc (BĐ) Thanh Niên ủng hộ việc người dân mua BHYT sẽ được khám ở bất kỳ bệnh viện nào trên toàn quốc chứ không chỉ riêng bệnh viện tại nơi đăng ký. “Hoàn toàn đồng ý với các ý kiến trên. Xin đừng phân biệt đối xử với BHYT nữa mà hãy tăng cường cho nó vững mạnh hơn. Khi đó người dân mới mặn mà với BHYT. Chứ thực tế như tôi có BHYT nhưng đi khám chữa bệnh không bao giờ dám mang ra, vì khi đăng ký khám BHYT thì rất mất thời gian và chất lượng khám”, BĐ Van Hiep ý kiến.
Cùng quan điểm, BĐ Nam Phong đề nghị bỏ tuyến, bỏ nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu. “Ai có BHYT thì có thể đến khám tại bệnh viện nào cũng được. Không phân biệt đối xử, đảm bảo công bằng khi đi khám chữa bệnh”, BĐ này ý kiến thêm.
Còn BĐ Hữu Khánh viết: “Khám chữa bệnh theo tuyến là tước đi quyền lợi của người dân về khám chữa bệnh. Nhiều người phải chấp nhận bỏ chế độ để “vượt tuyến” nhằm bảo toàn sức khỏe và tính mạng. Khám chữa bệnh không phải chuyện đùa, bởi liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người. Tốt nhất là bỏ chế độ khám chữa bệnh theo tuyến này, để người dân lựa chọn nơi khám chữa bệnh phù hợp. Thay vì dựng tuyến, ngành y tế cần đầu tư (trang bị và con người) nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cơ sở. Nếu cơ sở làm tốt thì người dân chạy lên tuyến trên làm gì cho vất vả, tốn kém”.
“Hiện nay rất nhiều người bệnh phải bỏ BHYT để vượt tuyến lên trên khám chữa dịch vụ tự nguyện (bệnh nhân phải trả phí), bởi các lý do sau: Một là họ có điều kiện muốn được khám chữa tốt hơn; hai là các thủ tục chuyển tuyến khó khăn, phiền hà, phiền nhiễu; ba là điều kiện, tay nghề chuyên môn tuyến dưới còn hạn chế. Vậy nên bỏ quy định chuyển tuyến là hợp lý nhất, lúc đó nếu bệnh nhân dồn lên tuyến trên đông gây quá tải, thì tuyến trên phải có trách nhiệm xây dựng kế hoạch đầu tư mở rộng khả năng khám chữa bệnh, vì đó là quy luật cung phải theo cầu”, BĐ Vinh phân tích.
Mong sớm thông qua
Nhiều BĐ mong việc mở rộng phạm vi thanh toán, khám chữa bệnh BHYT không phụ thuộc địa giới hành chính sớm được thông qua để người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn. “Không ai muốn chuyển tuyến để điều trị xa nhà, gây ra tốn kém tiền của khi hoàn cảnh gia đình khó khăn, bất đắc dĩ do bệnh tình nặng, tuyến dưới chưa theo kịp chuyên môn, bệnh tật ngày càng trở nên nhiều hơn do môi trường và hóa chất, chính vì vậy Bộ Y tế nên cho thông tuyến để kịp thời trong công tác điều trị cứu sống bệnh nhân…”, BĐ Doi Nguyen ý kiến.
Tương tự, BĐ D.N viết: “Hy vọng luật BHYT mới sẽ sớm được thông qua. Người mua bảo hiểm sẽ được khám ở bất cứ nơi đâu, tại bất cứ bệnh viện nào trên toàn quốc”.
“Việc mở rộng quyền lựa chọn khám chữa bệnh là một xu hướng tất yếu, tuy nhiên đặt ra nhiều thách thức. Nguy cơ quá tải ở các bệnh viện lớn, áp lực lên quỹ bảo hiểm và yêu cầu về một hệ thống quản lý chặt chẽ… là những vấn đề cần được giải quyết. Để đảm bảo chính sách này thành công, cần có sự đầu tư đồng bộ vào cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và CNTT, đồng thời xây dựng một cơ chế quản lý linh hoạt, hiệu quả”, BĐ Anh Phan nêu quan điểm.
BĐ Trần Thanh góp ý: “Để nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh BHYT, chúng ta cần những thay đổi căn bản. Trong đó, người dân cần được tự do lựa chọn cơ sở y tế, danh mục thuốc và dịch vụ y tế phải được mở rộng để đáp ứng nhu cầu thực tế. Việc thực hiện các cải cách này đòi hỏi sự nỗ lực của các cơ quan chức năng và sự đồng thuận của toàn xã hội”.
Một khi công dân Việt Nam có thẻ BHYT thì phải được khám chữa bệnh ở bất cứ bệnh viện nào trên cả nước thì mới đúng.
Triều Khuất
Không phải chỉ nói hay gợi ý mà phải dứt khoát là đã mua BHYT thì khám ở đâu đó là quyền của người có BHYT, thêm nữa người bệnh có BHYT hay tự nguyện đều bình đẳng khi khám chữa bệnh.
Minh
Đã mua BHYT thì phải được khám chữa bệnh trên toàn quốc. Còn làm việc với các bệnh viện để được khám chữa bệnh, thanh toán ra sao thì cơ quan BHYT phải làm việc chứ không phải người dân.
R.B
Nguồn: thanhnien.vn