Chiều 24.10, thảo luận tại tổ về dự án luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi, Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Nguyễn Tri Thức bày tỏ một số lo ngại xung quanh việc có nên bỏ giấy chuyển tuyến hay không, nếu bỏ thì nên bỏ ở mức độ nào?
Luật BHYT sửa đổi phân bệnh viện thành 3 cấp: ban đầu (tương đương tuyến xã), cơ bản (tương đương tuyến huyện, tỉnh) và chuyên sâu (tuyến T.Ư, bệnh viện đa khoa chuyên sâu hoặc một số bệnh viện tỉnh có đủ dịch vụ kỹ thuật).
“Triệt tiêu y tế cơ sở, vỡ trận y tế chuyên sâu”
Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức nhiều lần ủng hộ việc xóa bỏ địa giới hành chính trong BHYT, đây là chủ trương rất đúng đắn và cần thiết.
Tuy vậy, nếu bỏ giấy chuyển tuyến, bệnh nhân sẽ có xu hướng lên thẳng bệnh viện T.Ư thay vì khám ở bệnh viện cơ sở. “Chỉ 1 – 2 năm sẽ triệt tiêu y tế tuyến cơ sở”, ông nói.
Ông Thức dẫn chứng, với một ca mổ hạng đặc biệt kéo dài 6 – 8 tiếng, mỗi ngày một bác sĩ chỉ có thể thực hiện được một ca, vì đến ca thứ hai sẽ rất dễ xảy ra tai biến. Chính vì điều này, các bệnh viện đều khống chế số lượng ca mổ hạng đặc biệt với mỗi bác sĩ là 1.
Nếu bỏ giấy chuyển tuyến, bệnh nhân ùn ùn đổ từ cơ sở vào chuyên sâu. Với áp lực như vậy, một bác sĩ không thể duy trì việc mỗi ngày mổ 1 ca được nữa.
Tương tự, với khám bệnh, trước đây một bác sĩ có thể khám cho 20 bệnh nhân mỗi ngày. Nếu bỏ giấy chuyển tuyến, số bệnh nhân có thể tăng lên hàng trăm người, như thế “không có bác sĩ nào kham nổi, sẽ vỡ trận y tế chuyên sâu”.
Từ thực tế đã nêu, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị chỉ nên bỏ giấy chuyển tuyến với cấp ban đầu và một số bệnh viện cấp cơ bản. Riêng với cấp chuyên sâu thì bắt buộc phải có giấy này.
Ông Thức nhấn mạnh, giấy chuyển tuyến rất quan trọng, đó là bản tóm tắt bệnh án, triệu chứng, quá trình điều trị trước đó của bệnh nhân. Bác sĩ chỉ cần đọc qua sẽ nắm được thông tin và có chẩn đoán tốt nhất. Nếu bỏ giấy này, không khéo còn gây hại cho người bệnh.
Hơn thế, hiện nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, việc cấp giấy chuyển tuyến dễ dàng hơn, không còn phức tạp như trước đây. Đây cũng là lý do nên duy trì giấy chuyển tuyến, nhất là với cấp chuyên sâu.
Đề xuất thời hiệu giám định BHYT
Tiếp tục góp ý với dự thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức đề xuất bổ sung quy định về thời hiệu đối với hoạt động giám định chi phí khám chữa bệnh BHYT là 1 quý ngay sau quý đó.
Ông Thức nói, quy định hiện hành không có thời hiệu giám định. Khi cơ sở khám, chữa bệnh sử dụng xong, BHYT đưa một đoàn vào giám định, nếu đúng thì thanh toán, nếu chưa phù hợp thì “cứ treo đó đã”, sau này xác định đúng thì mới quyết toán, còn sai thì không. Nhưng thời gian “treo” cũng không thống nhất là bao lâu.
Theo ông Thức, cũng vì không có thời hiệu nên xảy ra câu chuyện muốn giám định lúc nào cũng được, có lúc đã giám định rồi nhưng 2 – 3 năm sau lại có một đoàn giám định mới.
“Lúc này mới kết luận sai, chi phí thì đã thanh toán hết rồi, đưa bệnh nhân sử dụng hết rồi, bệnh viện không biết lấy gì mà bù vào”, ông Thức chia sẻ.
Một đề xuất khác được ông Thức đề cập, đó là BHYT thanh toán chi phí khám định kỳ tầm soát một số bệnh ung thư thường gặp như ung thư gan, ung thư vú, ung thư cổ tử cung.
Thứ trưởng Thức cho hay, mới đây, Bộ Y tế tổ chức hội nghị về vấn đề này, một số chuyên gia và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cho thấy bằng chứng khách quan ở các nước, trong đó có nước Mỹ, rằng việc thanh toán chi phí cho việc khám định kỳ tầm soát các ung thư sẽ giúp giảm chi phí điều trị rõ rệt.
Ở Việt Nam hiện chưa có bằng chứng, nhưng theo lập luận logic của ông Thức, khoảng 5 năm đầu khi triển khai thực hiện, quỹ BHYT sẽ phải chi nhiều hơn, tuy nhiên sau đó chi phí này sẽ giảm dần, tiệm cận đường ngang.
Nguồn: thanhnien.vn