Thảo luận về dự thảo luật BHYT sửa đổi chiều 31.10, nhiều đại biểu tranh luận về vấn đề đối tượng được đóng hay không được đóng BHYT. Song, theo đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam), “cái chính cử tri bức xúc là dịch vụ BHYT quá nhiều bất cập và phức tạp, đi khám chờ đợi mệt mỏi, quá tải, thuốc thì thiếu”.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội cũng nêu những bất cập trong hoạt động của BHYT như việc thẩm định hồ sơ phức tạp từ phía bảo hiểm chi trả thanh toán, loại thuốc được thanh toán loại không, phân loại định mức khám bảo hiểm, chưa kể nợ chậm thanh toán bảo hiểm…
“Cử tri bức xúc vì bỏ tiền tham gia bảo hiểm rồi nhưng chất lượng bảo hiểm chưa đáp ứng được yêu cầu người dân”, ông Hạ nói và cho rằng, hoạt động BHYT phải công khai minh bạch, định mức là bao nhiêu, công khai số dư BHYT hàng năm.
Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT, tạo điều kiện cho các loại hình y tế khác tham gia. Ông dẫn chứng trường hợp con đang học phổ thông phải mua BHYT, mẹ có bảo hiểm nước ngoài, nhưng không được hỗ trợ, cuối cùng phải mua song song 2 loại bảo hiểm.
“Tôi nghĩ có gì đó độc quyền ở đây, cần phải có khâu đột phá cho bảo hiểm”, đại biểu Tạ Văn Hạ nêu.
Còn theo đại biểu Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu), quy định liên thông cấp chuyên môn kỹ thuật khi khám bệnh trong dự thảo luật đảm bảo quyền hiến định của người dân được lựa chọn nơi khám bệnh phù hợp, không phân biệt miền núi miền xuôi, nông thôn hay thành thị.
Tuy nhiên, bà Ry cho rằng, cần bổ sung thêm quy định về liên thông kết quả cận lâm sàng giữa các cơ sở khám, chữa bệnh thuộc cấp chuyên môn kỹ thuật và quy định rõ thời điểm thực hiện liên thông toàn quốc để công nhận kết quả cận lâm sàng của các cơ sở khám bệnh.
“Thống kê sơ bộ của 21 bệnh viện đang áp dụng lưu trữ và truyền hình ảnh chẩn đoán hình ảnh mà không phải in phim đã tiết kiệm được 267 tỉ đồng. Nếu triển khai áp dụng toàn quốc của 1.000 bệnh viện và 22.000 phòng khám thì tiết kiệm được hàng nghìn tỉ đồng”, đại biểu Hoa Ry cho hay.
Quan trọng hơn là giảm gánh nặng cho việc chi trả dịch vụ y tế của toàn xã hội, trong đó có hàng triệu người dân là bệnh nhân nghèo, cận nghèo và người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn.
Đại biểu đoàn Bạc Liêu cũng mong muốn Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền sẽ có quyết sách kịp thời thể hiện rõ về lộ trình thực hiện liên thông kết quả cận lâm sàng trong dự thảo luật để mọi người dân đều có cơ hội thụ hưởng thành quả của chính sách về y tế.
Nguồn: thanhnien.vn