Trong nhiều câu hỏi gửi đến báo Tuổi Trẻ, bạn đọc bày tỏ cần có giải pháp để người lao động không bị treo quyền lợi doanh nghiệp chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội.
Có nơi chủ sử dụng lao động bỏ trốn, phá sản khiến người lao động không được hưởng quyền lợi thai sản, hưu trí hay đơn giản là chốt sổ ở nơi làm việc cũ. Luật Bảo hiểm xã hội mới có giải quyết được “bài toán” này?
Quy định rõ thế nào là trốn đóng bảo hiểm xã hội
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Duy Cường – phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) – cho biết Luật Bảo hiểm xã hội mới với hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2025 có nhiều điểm mới, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Theo đó, luật bổ sung một chương quy định về quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội và nêu rõ khái niệm thế nào là chậm đóng, trốn đóng và cách xử lý.
Bổ sung trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong theo dõi người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và đôn đốc thực hiện việc đóng.
“Ngoài ra, luật mới cũng quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh về việc chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong phạm vi địa phương.
Bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động”, ông Cường cho hay.
Tăng nặng chế tài chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội
Trước đó, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 không quy định rõ ràng thế nào là hành vi “chậm đóng” và “trốn đóng”, dẫn tới khó khăn khi xử lý hành vi theo chế tài hành chính hay hình sự.
Theo Luật Bảo hiểm xã hội 2024, việc trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp được cụ thế hóa.
Ví dụ sau 60 ngày kể từ ngày hết hạn theo quy định, chủ sử dụng lao động không đăng ký, đăng ký không đầy đủ số người phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đăng ký tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp hơn quy định…
Trường hợp chậm đóng, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ đôn đốc chủ sử dụng lao động bằng văn bản hoặc đăng thông tin công khai trên cổng thông tin điện tử, thậm chí gửi thông tin đến cơ quan quản lý nhà nước, thanh tra để xử lý.
Luật mới nêu rõ ngoài bắt buộc đóng đủ số tiền trốn đóng, trường hợp vi phạm phải nộp tiền phạt bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trốn đóng và số ngày trốn đóng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá đây là quy định tăng tính răn đe pháp luật, thúc đẩy người sử dụng lao động nộp sớm số tiền bảo hiểm xã hội bị chậm đóng, trốn đóng.
Cũng theo luật mới, cơ quan chức năng cũng có thể xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc không xem xét trao tặng danh hiệu thi đua, khen thưởng.
Tháng 5-2024 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung từng nêu câu chuyện hơn 200.000 người bị treo quyền lợi bảo hiểm xã hội do doanh nghiệp phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn…
Theo Bộ trưởng Dung, trường hợp nợ mới phát sinh được ghi nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội để tính quyền lợi.
Sau này nếu doanh nghiệp đóng bổ sung tiền nợ bảo hiểm xã hội sẽ tiếp tục ghi nhận, đảm bảo chế độ.
Nhắc lại chuyện Quốc hội từng đồng ý khoanh, xóa nợ thuế, ông Dung đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam báo cáo Chính phủ để Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép xóa số nợ bảo hiểm xã hội trên bằng nguồn kết dư quỹ bảo hiểm xã hội và các nguồn dự trữ khác.
Theo báo cáo của Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế khá lớn, trên 13.000 tỉ đồng (bình quân trong 1-2 năm qua), gồm cả tiền chậm và lãi. Chủ yếu thuộc nhóm doanh nghiệp tư nhân, chiếm 60-80%.
Nguồn: tuoitre.vn