Điều chỉnh mức đóng
Một trong những sửa đổi quan trọng của Luật Việc làm năm 2025 là điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Theo Khoản 1 Điều 33 Luật Việc làm năm 2025, mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp được quy định cho ba nhóm.
Thứ nhất, người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng.
Thứ hai, người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Thứ ba, nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Theo Luật Việc làm hiện hành (Luật Việc làm năm 2013), mức đóng cho 3 nhóm trên được quy định cố định là bằng 1%. Luật Việc làm năm 2025 quy định là “tối đa bằng 1%”, tức là có thể bằng hoặc thấp hơn 1%, mức đóng cụ thể sẽ do Chính phủ quy định trong từng giai đoạn.

Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp được điều chỉnh linh động (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn)..
Luật Việc làm năm 2025 còn quy định Chính phủ có thể giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ bằng tiền hoặc hỗ trợ khác trong các trường hợp khủng hoảng, suy thoái kinh tế, thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm…
Làm rõ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp
Theo Luật Việc làm hiện hành, tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Tuy nhiên, mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp cao nhất được chia thành 2 nhóm.
Thứ nhất, người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa là bằng 20 tháng lương cơ sở.
Thứ hai, người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa là bằng 20 tháng lương tối thiểu vùng.
Luật Việc làm năm 2025 quy định tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp tại Điều 34 chi tiết hơn cho 2 nhóm lao động khác nhau.
Thứ nhất, người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương tháng theo chức vụ, chức danh, ngạch, bậc và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề, hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có).
Thứ hai, người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương tháng, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được thỏa thuận trả thường xuyên, ổn định trong mỗi kỳ trả lương.
Ngoài ra, Luật Việc làm năm 2025 cũng thống nhất mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp cao nhất cho cả 2 nhóm lao động trên là bằng 20 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng.
Thêm nhiều nhóm đóng bảo hiểm thất nghiệp
Luật Việc làm hiện hành quy định đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại Điều 43.
Theo đó, người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong 3 trường hợp.
Thứ nhất, hợp đồng không xác định thời hạn.
Thứ hai, hợp đồng xác định thời hạn.
Thứ ba, hợp đồng theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.

Luật Việc làm năm 2025 bổ sung nhiều nhóm lao động được tham gia bảo hiểm thất nghiệp (Ảnh: Nguyễn Quang)..
Luật Việc làm năm 2025 quy định đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại Điều 31, mở rộng thêm nhiều nhóm lao động phải tham gia.
Thứ nhất là người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên, kể cả trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên.
Thứ hai là người lao động làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất.
Thứ ba là người làm việc theo hợp đồng làm việc.
Thứ tư là người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng quản trị, tổng giám đốc, giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã có hưởng tiền lương.
Nguồn: dantri.com.vn