Sáng 7/5, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày tóm tắt Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm sửa đổi.

Toàn cảnh phiên họp (Ảnh: QH)..
Theo đó, dự thảo Luật Việc làm sửa đổi sau khi được rà soát, tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện bao gồm 8 chương, 58 điều, giảm 1 chương và 36 điều so với dự thảo luật do Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.
Về thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp không được bảo lưu, dự thảo Luật Việc làm sửa đổi đã bỏ quy định “thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng thì không được bảo lưu để tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo”. Bởi nội dung này đã được quy định tại Thông tư số 15/2023/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2023 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũ, nay là Bộ Nội vụ.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh (Ảnh: QH)..
Đối với trách nhiệm thông báo về việc tìm kiếm việc làm của người lao động, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng, người lao động phải thông báo về việc tìm kiếm việc làm cho tổ chức dịch vụ việc làm công nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp và giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm linh hoạt, thuận lợi cho người lao động.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, nhìn chung, dự thảo Luật Việc làm sửa đổi đã được chỉnh lý theo nguyên tắc quy định các chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho tất cả người lao động nói chung, cơ bản không phân biệt các đối tượng cụ thể.
Tuy nhiên, cũng có những quy định chính sách hỗ trợ riêng cho một số đối tượng đặc thù, đối tượng yếu thế. Các quy định này đều được thiết kế để bảo đảm sự thống nhất, phù hợp với pháp luật chuyên ngành.
Nguồn: dantri.com.vn