Cụ thể, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến, hoàn thiện dự thảo nghị định điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp xã hội quy định tại nghị định 20 ngày 15-3-2021 của Chính phủ về chính sách trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội.
Dự kiến nghị định mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2024.
Mức chuẩn trợ cấp xã hội được hiểu là mốc căn cứ xác định mức trợ cấp xã hội, kinh phí hỗ trợ nhận chăm sóc/nuôi dưỡng hoặc các mức trợ giúp xã hội khác.
Dự thảo đề xuất tăng mức chuẩn trợ cấp xã hội từ 360.000 đồng/tháng lên 500.000 đồng/tháng, tức tăng 38,9%.
Tuy nhiên mức này chỉ bằng 1/3 chuẩn nghèo khu vực nông thôn và bằng 1/4 chuẩn nghèo khu vực thành thị giai đoạn 2021-2025.
Theo cơ quan soạn thảo, tổng kinh phí thực hiện năm 2024 dự kiến trên 32.000 tỉ đồng. Nếu thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2024, kinh phí phát sinh khoảng 4.700 tỉ đồng.
Với mức chuẩn trợ cấp xã hội 500.000 đồng/tháng, trên 3,3 triệu người thuộc nhóm bảo trợ xã hội và 349.000 người hưởng hỗ trợ kinh phí chăm sóc được thụ hưởng.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nêu rõ việc nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội hằng tháng nhằm bảo đảm đời sống cho nhóm bảo trợ xã hội.
Ngoài ra, việc này còn phù hợp với Hiến pháp năm 2023, nghị quyết 42 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội…
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan liên quan xây dựng dự thảo nghị định trên theo quy định và dự kiến trình Chính phủ vào tuần tới.
Nguồn: tuoitre.vn