Từ nhiều tháng qua, hàng loạt công nhân Công ty CP Daum & Jung An (D&J), doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài (Hàn Quốc) đóng tại H.Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định liên tục kiến nghị về việc chủ doanh nghiệp này ăn chặn chế độ trợ cấp của họ.
Công nhân không chịu làm tăng ca bị khóa cổng, không cho ra ngoài – Ảnh do công nhân D&J cung cấp.
|
Chị Nguyễn Thị Xa (công nhân tổ may) của Công ty D&J cho biết: đầu năm 2014, chị nghỉ sinh con 184 ngày. Từ ngày 1.7.2014, chị Xa bắt đầu đi làm trở lại và nhiều lần tìm Ban giám đốc để yêu cầu thanh toán tiền thai sản theo quy định nhưng đều được trả lời là “chưa có tiền”.
Chị Xa hỏi thì được biết tất cả các nữ công nhân sinh nở cũng như những công nhân bị ốm đau thuộc diện được thanh toán chế độ BHXH từ năm 2013 đều chưa được nhận tiền theo chế độ.
Đầu năm 2015, khi tiếp tục được trả lời “chưa có tiền”, các công nhân đến BHXH H.Mỹ Lộc thì mới biết, toàn bộ tiền chế độ của họ đã được thanh toán đầy đủ cho D&J, nhưng công ty này không trả cho họ.
Tại BHXH H.Mỹ Lộc, ông Trần Tất Độ, Phó giám đốc cơ quan này xác nhận: đơn vị đã trả đầy đủ, đúng thời hạn tất cả các chế độ cho công nhân D&J. Trong đó, năm 2014, đã trả đầy đủ trên 400 triệu đồng chế độ ốm đau, thai sản cho 230 người. PV cũng được xem quyết định duyệt chi cũng như chứng từ chuyển tiền của BHXH vào tài khoản của D&J.
Tuy nhiên, theo chị Xa, đầu tháng 4 vừa qua, có đoàn kiểm tra của BHXH đến làm việc nhưng các chị vẫn không được nhận chế độ, khi mọi người đình công thì chủ doanh nghiệp mới cho thanh toán một phần, nhưng người nhiều nhất cũng chỉ được một nửa số tiền đã được BHXH duyệt.
Tự tử vì lương thấp?
Cuối tháng 4.2015, PV đã có mặt tại D&J nhưng ông Lim Chan Meen, Tổng Giám đốc công ty này cho biết “không làm việc với báo chí” và cho bảo vệ khóa cổng, không cho PV tiếp xúc với công nhân, nên một số công nhân đã trốn khỏi xưởng, leo qua cổng để phản ánh với PV nhiều sai phạm khác của chủ doanh nghiệp này.
Chị Nguyễn Thị Thu (35 tuổi, tổ phó tổ cắt) cho biết: tổ có 16 công nhân, người làm việc ít nhất cũng hơn 1 năm nhưng đến nay chỉ 6 người được công ty nộp BHXH. Để đối phó cơ quan chức năng, chủ DN không ký hợp đồng lao động, hoặc ký thời gian ngắn cho những người này.
Chị Nguyễn Thị Thao (18 tuổi, công nhân tổ cắt) cho biết đã làm được 1 năm 2 tháng, anh Lương Hữu Tuân làm hơn 1 năm, chị Nguyễn Thị Thanh làm hơn 3 năm… đều chưa được đóng BHXH.
Các công nhân còn cho biết, tháng 2 vừa qua, do nhiều hàng nên ông Lim Chan Meen ép công nhân làm cả 4 ngày chủ nhật và khóa cổng để công nhân phải làm từ sáng đến 7, 8 giờ tối.
“Nhưng, ngay sau khi hết đơn hàng, chỉ cần bị phát hiện có hình xăm trên người, hoặc để móng tay dài là công nhân bị đuổi việc, không được trả tiền thưởng Tết”, chị Thu bức xúc.
Đáng nói, theo công nhân Lương Hữu Tuân, dù làm vất vả nhưng do “bị trừ đủ thứ tiền”, thu nhập rất thấp nên một công nhân xưởng may tên là Hương khi được lĩnh có 50.000 đồng tiền làm thêm đã vào nhà vệ sinh cắt tay tự tử. Cũng theo anh Tuân, ông Lim Chan Meen sau đó đã chỉ đạo cho chị Hương 500.000 đồng và đuổi việc.
“Chúng tôi đã báo tin này đến các cơ quan chức năng nhưng không thấy ai xử lý”, anh Tuân phản ánh.
Ngày 20.5, trao đổi với PV, Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB-XH tỉnh Nam Định Phạm Lê Hà cho biết, đến nay chưa nhận được đơn thư từ công nhân Công ty D&J phản ánh về sự việc trên. Tuy nhiên, từ thông tin của PV Báo Thanh Niên cung cấp, ông Hà cho biết Thanh tra Sở LĐ-TB-XH sẽ tổ chức xuống kiểm tra tại công ty này. Nếu phát hiện đúng như phản ánh, sẽ kiên quyết xử lý vi phạm và yêu cầu công ty này chi trả, đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người lao động.
Lãnh đạo UBND H.Mỹ Lộc cũng cho biết sẽ chỉ đạo Phòng Lao động, Liên đoàn Lao động huyện này xuống điều tra, có giải pháp xử lý ngay đối với tình trạng vi phạm của D&J.
|
Nguồn: thanhnien.vn