Chưa đầy một tuần, cơn bão số 3 (Yagi) đã tàn phá, gây ra hậu quả nặng nề đối với nhiều người dân phía Bắc. Nhiều công ty bảo hiểm vào cuộc, xúc tiến thẩm định và bồi thường thiệt hại về người và tài sản (nhà xưởng, tàu thuyền, hàng hóa…). Từ đó giúp các khách hàng và người thân sớm ổn định cuộc sống, vượt qua giai đoạn khó khăn.
Tổn thất lịch sử, số tiền bồi thường bảo hiểm ngày một dâng cao
Giữ thị phần lớn nhất trong khối bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam, cập nhật đến hôm nay 11-9, đại diện Bảo hiểm PVI cho biết đã ghi nhận hơn 500 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản. Tổng mức khiếu nại tổn thất ước đạt hơn 2.000 tỉ đồng (chưa bao gồm tổn thất về xe cơ giới và người).
“Đây có thể là tổn thất lịch sử không mong muốn của ngành bảo hiểm Việt Nam nói chung và Bảo hiểm PVI nói riêng”, phía doanh nghiệp cho biết. Tuy nhiên, với tiềm lực tài chính lớn, dự phòng bồi thường đầy đủ, kinh nghiệm xử lý tổn thất, doanh nghiệp khẳng định đảm bảo quyền lợi tối đa cho khách hàng với thời gian nhanh.
Tính đến sáng 10-9, Bảo hiểm Bảo Việt đã ghi nhận tổng cộng 437 vụ yêu cầu bồi thường liên quan đến cơn bão số 3. Chủ yếu liên quan đến các loại hình tổn thất về người, tài sản (xe ô tô, nhà tư nhân, công trình xây dựng, nhà xưởng, kho bãi, máy móc thiết bị, cầu cảng và hàng hóa). Tổng giá trị bồi thường lên tới gần 385 tỉ đồng.
Trong thời gian đó, phía Bảo hiểm BIC đã ghi nhận gần 500 vụ tổn thất về bảo hiểm hàng hải, tài sản kỹ thuật, xe cơ giới. Tổng số tiền bồi thường ước tính gần 200 tỉ đồng. Số liệu thiệt hại đang được BIC tiếp tục cập nhật.
Bảo hiểm PJICO cho biết đã tiếp nhận trên 500 vụ tổn thất liên quan tới các nghiệp vụ xe cơ giới, tài sản, hàng hải… ước tính thiệt hại hàng trăm tỉ đồng. Đối với các địa bàn đang ngập sâu trong lũ như Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang… số liệu về thiệt hại vẫn chưa thể thống kê đầy đủ.
Ở Bảo hiểm VNI đã tư vấn, hỗ trợ cho hơn 200 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản kỹ thuật, hàng hóa, tàu thuyền (chưa bao gồm bảo hiểm xe cơ giới và con người).
Song song đó, nhiều doanh nghiệp khác cũng đã ghi nhận hàng trăm vụ tổn thất, ước tính số tiền bồi thường lên đến hàng trăm tỉ đồng, có thể tiếp tục tăng, bao gồm: Bảo hiểm VietinBank, Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH – BHI), Bảo hiểm BIDV (BIC)…
Bám trụ tại vùng bão lũ để thống kê thiệt hại, xúc tiến bồi thường
Trước những mất mát lớn của khách hàng, ông Nguyễn Quang Hưng – phó tổng giám đốc Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt – chia sẻ, doanh nghiệp đã khẩn trương triển khai ngay các hoạt động nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng, bao gồm tạm ứng bồi thường.
Đồng thời huy động đội ngũ chuyên viên giám định hiện trường, giám định tổn thất đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ bồi thường. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng địa phương và làm việc trực tiếp khách hàng để ghi nhận, xác định mức độ thiệt hại.
Đại diện Bảo hiểm PVI cho biết để hỗ trợ rà soát, thống kê thiệt hại của khách hàng, nhiều nhân sự được huy động. Toàn bộ đội ngũ giám định viên và các công ty giám định độc lập đã xuống hiện trường ngay trong tâm bão, vẫn đang bám trụ tại vùng bão lũ. Bộ phận chuyên môn trực 24/24 giờ để sẵn sàng tiếp nhận, xử lý hồ sơ tổn thất.
Hiện tại các cán bộ của Bảo hiểm VietinBank vẫn đang túc trực tại các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề từ bão lũ để hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả, chủ động thống kê tổn thất.
An ủi thân nhân của người mất
Đối với khối nhân thọ, theo thống kê của Bộ Tài chính, tạm tính đến ngày 10-9, tổng số người bị thương vong được bồi thường bảo hiểm là 15 người.
Riêng AIA Việt Nam ghi nhận 5 khách hàng bị tử vong do cơn bão Yagi, tổng quyền lợi khoảng 6,5 tỉ đồng. Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH – BHI) tiếp nhận 6 trường hợp mất tích và 1 nạn nhân tử vong do bão Yagi.
Dai-ichi bước đầu xác định có 6 nạn nhân tử vong trong vụ sạt lở ở Yên Bái, ước tính chi trả 2,7 tỉ đồng.
Việc bồi thường bảo hiểm giúp người thân của các nạn nhân được an ủi phần nào, có thêm tài chính để sớm vượt qua khó khăn và ổn định cuộc sống.
Nguồn: tuoitre.vn