Bà Việt Hương – giám đốc nhân sự (trái) và bà Quế Chi – giám đốc dự án, công ty xây dựng trên địa bàn TP.HCM – đang tính toán lại nhân sự tham gia đóng bảo hiểm xã hội năm 2016 cho toàn công ty – Ảnh: Tự Trung |
Có hiệu lực từ ngày 1-1-2016, Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi 2014 có nhiều quy định gây tác động lớn đến doanh nghiệp và người tham gia BHXH.
Theo đó, tỉ lệ đóng góp của doanh nghiệp và người lao động không thay đổi, nhưng cơ sở mức đóng có thay đổi: tiền lương + phụ cấp chứ không thuần lương cơ bản như trước kia. Mặt khác, mức thụ hưởng, quyền lợi cũng có nhiều điểm mới.
Nhiều quyền lợi hơn
Ông Nguyễn Đăng Tiến – phó giám đốc BHXH TP.HCM – cho biết Luật BHXH mới có nhiều quyền lợi cho người lao động hơn. Chẳng hạn có chế độ thai sản đối với lao động nam có vợ sinh con. Theo đó, khi vợ sinh con, nam giới sẽ được nghỉ 5-14 ngày.
Trong trường hợp chỉ có người chồng tham gia BHXH thì khi vợ sinh con vẫn được nhận trợ cấp một lần bằng hai tháng tiền lương cơ sở. Chế độ thai sản cũng mở rộng cho người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ.
Theo ông Tiến, mức đóng và thụ hưởng có thay đổi: từ ngày 1-1-2016, người tham gia BHXH thuộc cơ quan nhà nước được lấy mức lương bình quân 15 năm cuối để tính hưởng lương hưu, thay vì bình quân năm năm cuối như trước.
Mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH được quan tâm nhất. Nếu trước đây chỉ tính theo mức lương cơ bản thì từ năm 2016 sẽ cộng thêm các khoản phụ cấp, đến năm 2018 sẽ tính trên tổng thu nhập gồm lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung.
“Đây là một thay đổi quan trọng bảo đảm cuộc sống cho người lao động khi về già” – ông Tiến nói.
Ông Tiến dẫn giải: hiện nay ở phần lớn doanh nghiệp, bảng lương làm căn cứ đóng thuế và bảng lương để tính đóng BHXH là hai bảng lương khác nhau. Thường thì mức lương cơ bản để tính đóng BHXH thấp hơn rất nhiều so với thu nhập thực tế, chỉ ngang bằng hoặc cao hơn rất ít so với mức lương tối thiểu.
“Điều này kéo theo các chế độ tai nạn, thai sản, thất nghiệp và lương hưu của người lao động tính theo mức lương làm căn cứ tính đóng BHXH không đảm bảo, nhiều người hưởng lương hưu dưới mức thu nhập hộ nghèo” – ông nói.
Ông Tiến nhìn nhận: việc quy định căn cứ tính đóng BHXH phải dựa trên lương và phụ cấp lương tất nhiên sẽ làm tăng chi phí của doanh nghiệp, nhưng giúp người lao động hưởng mức lương hưu cao hơn, đủ đảm bảo đời sống cơ bản của người lao động khi hết tuổi lao động.
Ngoài ra, các chế độ trợ cấp rủi ro khác như tai nạn, ốm đau, thất nghiệp và chế độ thai sản sẽ cao hơn đáng kể. Do đó đây là quy định có lợi cho người lao động.
Với cách tính đóng BHXH mới, chịu tác động lớn nhất là những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như ngành dệt may, da giày. Trong ảnh: công nhân may tại Công ty cổ phần may Nhà Bè – Ảnh: Hữu Khoa |
Người lương cao ủng hộ
“Về lâu dài có lợi cho người lao động” là nhìn nhận chung của những người hiện có mức thu nhập tương đối cao, có nơi làm việc ổn định và xác định gắn bó lâu dài với công việc.
Đặc biệt, với những người làm việc trong cơ quan, doanh nghiệp, công ty có nhiều khoản phụ cấp, phụ cấp cao gấp 3, 4 lần so với lương cơ bản thì áp dụng mức đóng mới sẽ được lợi khi nhận lương hưu.
Anh Nguyễn Văn Minh – nhân viên truyền thông – cho biết có mức lương gấp 4-5 lần bạn bè làm trong cơ quan nhà nước. Hằng tháng lại được phụ cấp thêm tiền điện thoại, xăng xe, cơm trưa… Anh Minh nhẩm tính: nếu trích đóng vào quỹ BHXH 10,5% lương lãnh thực tế thì anh đóng số tiền khoảng 2,4 triệu đồng.
Trong khi đó, công ty của anh phải đóng BHXH cho anh gần 5 triệu đồng. Như vậy, tiền đóng BHXH hằng tháng của anh ngót nghét 7,4 triệu đồng. Với mức đóng BHXH hiện nay (mức cũ), nếu lãnh ba tháng thất nghiệp (60% mức lương) anh sẽ nhận được gần 13 triệu đồng.
Nhưng nếu được đóng theo mức lương đầy đủ, anh sẽ lãnh được hơn 43 triệu đồng.
“Theo cách đóng mới sẽ có lợi cả về trước mắt lẫn lâu dài khi về hưu” – anh Minh nhận xét.
Anh M.X.H. (26 tuổi, ngụ quận 7), làm việc trong một công ty lập trình, cho biết anh lãnh lương hằng tháng 15 triệu đồng nhưng chỉ được đóng BHXH ở mức lương 5 triệu đồng. Anh cũng từng nghĩ rằng với mức đóng như vậy thì khi về hưu hay thất nghiệp thì mức trợ cấp thất nghiệp và hưu trí sẽ rất ít so với thu nhập thực tế của mình. Anh đồng tình với mức đóng mới: “Rõ ràng sẽ có lợi cho tôi hơn” – anh nói.
Tuy nhiên, anh H. nghi ngại: “Đồng tiền thì ngày càng mất giá, luật thì hay thay đổi. Hiện nay luật như thế này có vẻ có lợi, nhưng ai biết sau này còn thay đổi như thế nào, cho nên tôi cũng chưa tin tưởng vào chính sách BHXH lần này lắm”.
Doanh nghiệp lo gánh nặng
Có lợi cho người lao động và có lợi cho xã hội nói chung nhưng với doanh nghiệp, mức đóng BHXH mới cũng gây một số lo lắng.
Ông Phạm Ngọc Hưng – phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM – cho biết thời gian qua ông nghe rất nhiều doanh nghiệp kêu về việc thay đổi cách tính đóng BHXH. Chịu tác động lớn nhất là những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như ngành dệt may, da giày.
Ông cho rằng không thể phủ nhận những mặt tích cực của quy định này đối với người lao động khi hưởng các chế độ phúc lợi, nhưng mặt còn lại là tạo áp lực rất lớn đối với doanh nghiệp khi họ phải chịu tác động kép: tăng lương tối thiểu vùng hằng năm (năm 2016 tăng 12,4%) và mức đóng BHXH (lương hợp đồng + phụ cấp).
Nhiều doanh nghiệp than mức đóng góp vào BHXH của doanh nghiệp cao, 22%; tức cứ 10 đồng lương thì doanh nghiệp phải trả 2,2 đồng BHXH.
“Doanh nghiệp thường xây dựng hai thang bảng lương. Một bảng lương gồm lương cơ bản theo quy định của Nhà nước cộng với các hệ số khác như thâm niên, chức vụ, tay nghề và thường dựa vào bảng lương này để tính đóng BHXH. Một bảng lương thứ hai là theo hiệu quả sản xuất kinh doanh (lương mềm).
Tại nhiều công ty, phần lương mềm nhiều hơn phần cứng. Do đó nếu cộng gộp cả hai bảng lương này để tính đóng BHXH thì chi phí của nhiều doanh nghiệp sẽ đội lên rất lớn, có thể tăng thêm 50% chi phí cho BHXH, chưa kể phần tăng do phần lương tối thiểu tăng thêm” – ông Hưng phân tích.
Trước ý kiến cho rằng vấn đề ở đây là doanh nghiệp phải tìm cách tăng năng suất lao động, ông Hưng cho biết: mức tăng năng suất lao động trung bình hiện nay chỉ 3,5%, trong khi đó chỉ tính riêng lương tối thiểu vùng đã tăng 12,4%, cộng thêm quy định đóng BHXH như thế này nữa thì “đúng là doanh nghiệp đứng trước bài toán rất khó”.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, trưởng phòng nhân sự Công ty CP dệt may – đầu tư – thương mại Thành Công, cho biết trước đó công ty đã lấy mức lương khá cao để tính đóng BHXH cho công nhân, nay với thay đổi này chi phí cho BHXH cũng tăng thêm 20%.
Điều này sẽ làm tăng chi phí sản xuất, tính vào giá thành sản phẩm, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
“Hiện nay cạnh tranh mang tính cạnh tranh vùng, nếu chi phí tăng quá nhiều sẽ không cạnh tranh nổi” – ông Tuấn nêu. Ông cho biết thêm nhiều công ty và tổ chức hiệp hội đại diện cho doanh nghiệp đã có ý kiến hoãn thực hiện quy định này vì lo không gánh nổi chi phí.
Các khoản trích theo lương |
Đối với doanh nghiệp (tính vào chi phí) |
Đối với người lao động (trừ vào lương) |
Tổng cộng |
Bảo hiểm xã hội |
18% |
8% |
26% |
Bảo hiểm y tế |
3% |
1,5% |
4,5% |
Bảo hiểm thất nghiệp |
1% |
1% |
2% |
Tổng cộng |
22% |
10,5% |
32,5% |
Kinh phí công đoàn |
2% |
|
2% |
Nguồn: tuoitre.vn