Đây là thông tin bà Trần Thị Trang, quyền vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), chia sẻ tại tọa đàm chính sách BHYT bổ sung trong dự án Luật BHYT sửa đổi ngày 10-10 tại Hà Nội.
Theo bà Trang, loại hình BHYT đang thực hiện là chính sách BHYT xã hội, bảo hiểm bắt buộc, do Nhà nước đảm bảo để nâng cao chăm sóc sức khỏe toàn dân.
“Chúng ta đang hướng tới bao phủ BHYT toàn dân. Bởi vậy, chúng tôi mong muốn phát triển BHYT bổ sung, dự kiến đề xuất thực hiện liên kết giữa BHYT xã hội và cơ sở kinh doanh BHYT thương mại để người dân có thêm lựa chọn”, bà Trang thông tin.
Bà Trang nêu rõ dự kiến gói BHYT bổ sung này là BHYT tự nguyện, người dân có mong muốn tham gia, trên cơ sở đã tham gia BHYT bắt buộc. Gói BHYT bổ sung sẽ bao phủ chi trả giá trị tăng thêm như phần đồng chi trả, quyền lợi tăng thêm mà người bệnh có nhu cầu, dịch vụ tăng thêm so với các dịch vụ đang được BHYT cung cấp.
Doanh nghiệp tham gia cung cấp các gói bảo hiểm này không được lựa chọn đối tượng, không được có quy định loại trừ người bệnh, không chỉ chọn người khỏe ký hợp đồng mà là tất cả người bệnh có điều kiện, có nhu cầu.
Để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, doanh nghiệp sử dụng kết quả giám định của cơ quan bảo hiểm xã hội để xác định chi phí phù hợp, đúng quy định. Đồng thời, cơ quan chức năng sẽ đề xuất cơ chế pháp lý rõ ràng để giám sát việc thực hiện BHYT bổ sung.
“Về mức phí cho BHYT bổ sung, hiện nay sẽ do phía đơn vị kinh doanh bảo hiểm quy định. Tuy nhiên, Nhà nước sẽ quy định nguyên tắc xây dựng mức phí để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, phạm vi chi trả không được trùng lắp với BHYT bắt buộc”, bà Trang nêu rõ.
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Hoàng Anh Tuấn, Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), cho biết thêm mục tiêu của gói BHYT bổ sung là tăng quyền lợi, giảm chi tiền túi của người bệnh, để người bệnh tiếp cận dịch vụ tốt hơn, thậm chí có thể lựa chọn cơ sở cung cấp dịch vụ.
“Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân mua, hỗ trợ mua BHYT bổ sung, khuyến khích các tổ chức thực hiện BHYT bổ sung theo nguyên tắc phi lợi nhuận”, ông Tuấn cho hay.
Theo TS Nguyễn Khánh Phương – phó viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế, việc thực hiện gói BHYT bổ sung sẽ góp phần tăng số người tham gia BHYT bắt buộc, tăng số người tham gia BHYT bổ sung.
Bên cạnh đó, các gói BHYT bổ sung cũng giúp tăng tiếp cận dịch vụ y tế bao gồm cả dịch vụ theo yêu cầu, kỹ thuật cao (có mức đồng chi trả lớn), huy động thêm nguồn tài chính cho chăm sóc sức khỏe…
Tại tọa đàm, các chuyên gia cũng cho rằng cần có thêm các gói BHYT với nhiều mức đóng, phù hợp với nhiều đối tượng người dân. Ví dụ như những gói bảo hiểm cho người già, cho người trên 40 tuổi, gói chuyên khám sàng lọc… nhằm phát hiện sớm các bệnh lý, giảm chi phí người dân bỏ ra cho việc chi trả dịch vụ y tế.
Nguồn: tuoitre.vn