Tỉnh Đắk Lắk tiếp tục có những nỗ lực đảm bảo quyền lợi về BHYT, hỗ trợ người dân tham gia BHYT, tăng tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn.
“Có BHYT nên không lo lắng nhiều”
Có mặt tại Khoa nội Bệnh viện đa khoa (BVĐK) TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), chúng tôi ghi nhận nhiều ý kiến chia sẻ của bệnh nhân về lợi ích mà BHYT đem lại, nhất là giảm chi phí khám chữa bệnh (KCB). Bà Nguyễn Thị Lấn (62 tuổi, trú xã Hòa Khánh, TP.Buôn Ma Thuột) đang điều trị bệnh huyết áp, thoái hóa cột sống, cho biết từ khi bà mắc bệnh, bao nhiêu thu nhập từ làm nông của gia đình đều đổ vào chữa bệnh. “Những năm trước, tôi không mua BHYT, khi đi bệnh viện không có BHYT, chi phí khá nhiều. 3 năm nay, nhà tôi có 4 người tham gia BHYT hộ gia đình nên giờ đây không còn lo lắng nhiều về tiền thuốc, điều trị bệnh”, bà Lấn nói.
Cũng tại khoa nội, ông Lê Văn Quang (49 tuổi, trú xã Ea Bar, H.Buôn Đôn) đang điều trị cùng lúc các bệnh về thận, dạ dày… Bà Trần Thị Loan, vợ ông Quang, cho biết năm ngoái phải đưa chồng bà về điều trị ở TP.HCM trong điều kiện không có thẻ BHYT, chi phí hơn 100 triệu đồng. “Nhà tôi làm vài sào cà phê, hoa màu, thu nhập thấp. Do mình chủ quan, không nghĩ sẽ gặp lúc sức khỏe kém, đau ốm nên không mua BHYT. Qua lần tốn kém chữa trị cho chồng năm trước mà đầu năm nay tôi quyết định mua BHYT cho cả nhà”, bà Loan chia sẻ. Theo bà Loan, nhờ có BHYT mà mỗi đợt điều trị bệnh, chồng bà chỉ còn trả khoảng 20 triệu đồng, giảm đi nhiều lần so với trước đây…
Đảm bảo quyền lợi của bệnh nhân BHYT
Bà Phan Thị Cẩm Vân, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Giám định BHYT Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk, cho biết thời gian qua có nhiều bệnh nhân (BN) trên địa bàn tỉnh được quỹ BHYT chi trả chi phí KCB với số tiền lớn. Chẳng hạn, BN Bùi Thị Xuân (72 tuổi, trú TT.Phước An, H.Krông Pắk) bị bệnh tim mạch, có chi phí điều trị 327 triệu đồng; trong đó BHYT thanh toán hơn 258 triệu đồng. BN Dương Thành (14 tuổi, trú xã Hòa Khánh, TP.Buôn Ma Thuột) bị bệnh nhiễm trùng huyết; chi phí điều trị hơn 986 triệu đồng, được BHYT thanh toán hơn 888 triệu đồng… Theo bà Vân, nếu không tham gia BHYT, nhiều BN rất khó có cơ hội được điều trị khỏi bệnh vì số tiền chữa trị bệnh khá lớn, thậm chí lớn hơn khả năng kinh tế của gia đình họ. “Thời gian qua, BHXH tỉnh cùng ngành y tế phối hợp tốt trong công tác quản lý, giám sát hoạt động KCB ở các cơ sở y tế, giải quyết kịp thời những vướng mắc trong KCB của người bệnh; đồng thời triển khai tập huấn, phổ biến các văn bản, quy định mới nhất của nhà nước liên quan đến công tác KCB; thường xuyên nhắc nhở cơ sở y tế thực hiện tốt các quy định về tiếp đón, điều trị bệnh nhân, thanh quyết toán BHYT”, bà Vân nói.
Theo bà Vân, phần lớn các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cải thiện về thủ tục hành chính như đăng ký KCB, tạo điều kiện thuận lợi cho BN, còn khâu thanh toán thì đã ứng dụng công nghệ thông tin; cán bộ, nhân viên y tế cũng có trách nhiệm thông tin cho người bệnh hiểu rõ quyền lợi khi KCB có BHYT…
Kiến nghị tiếp tục hỗ trợ mức đóng BHYT cho hộ cận nghèo
UBND tỉnh Đắk Lắk vừa có tờ trình đề nghị HĐND tỉnh xây dựng nghị quyết kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 179/2015/NQ-HĐND nhằm tiếp tục hỗ trợ mức đóng BHYT còn lại cho người thuộc hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025. Nghị quyết số 179 (HĐND tỉnh Đắk Lắk ban hành năm 2015) quy định ngoài việc được hưởng hỗ trợ 70% từ ngân sách T.Ư, hằng năm, người thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ thêm 30% mức đóng BHYT còn lại từ ngân sách tỉnh. Thực hiện nghị quyết này, từ năm 2016-2020, ngân sách tỉnh Đắk Lắk đã hỗ trợ hơn 269 tỉ đồng cho 377.447 lượt người, góp phần tăng tỷ lệ bao phủ BHYT trung bình 4%/năm.
Theo BHXH tỉnh Đắk Lắk, tính đến hết tháng 9.2020, trên địa bàn tỉnh có 1.663.969 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 89,7% dân số.
|
Nguồn: thanhnien.vn