Theo thống kê của Phòng Khai thác và thu nợ BHXH tỉnh Đắk Lắk, năm học 2018 – 2019, toàn tỉnh có trên 181.000 HSSV tham gia BHYT tại nhà trường, đạt tỷ lệ 95,69% tổng số HSSV thuộc diện tham gia BHYT, tăng 5% so với năm học 2017 – 2018. Nếu tính cả số HSSV thuộc diện chính sách được ngân sách Nhà nước mua thẻ BHYT thì tỷ lệ tham gia BHYT đạt gần 98% tổng số HSSV toàn tỉnh. Một số địa phương có tỷ lệ học sinh tham gia BHYT tại nhà trường cao như các huyện Ea Súp, Krông Bông, Ea H’leo, M’Đrắk (100%), TP.Buôn Ma Thuột (99,78%), các huyện Lắk (99,25%), Krông Búk (98,51%), Krông Pắk (98,09%), Cư Kuin (98,01%)…
Ông Lê Xuân Khánh, Trưởng phòng Khai thác và thu nợ, nhận định đây là năm học có tỉ lệ HSSV trên địa bàn tỉnh tham gia BHYT cao nhất từ trước đến nay. Kết quả này phản ánh bước tiến thực hiện chỉ tiêu bao phủ BHYT trong đối tượng HSSV của các ngành liên quan; đặc biệt có sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của UBND tỉnh Đắk Lắk ngay từ đầu năm học. Ông Khánh đánh giá cao nỗ lực của ngành GD-ĐT trong việc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT cho HSSV và cha mẹ học sinh; phối hợp với cơ quan BHXH ở địa phương vận động, hướng dẫn HSSV tham gia BHYT và cấp thẻ BHYT theo đúng quy định.
Tuy nhiên, theo thống kê của Phòng Khai thác và thu nợ, còn 2% số HSSV trên địa bàn tỉnh chưa tham gia BHYT, tương đương khoảng 8.000 HSSV. Ông Lê Xuân Khánh cho rằng phần lớn số HSSV này là con em gia đình khó khăn nhưng không thuộc diện được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Khá nhiều HSSV không đóng BHYT ở các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn, nhà trường chưa có biện pháp xử lý do bản thân HSSV cũng rất khó khăn về đời sống khi đi học.
Theo Sở GD-ĐT Đắk Lắk, trong năm học 2018 – 2019, toàn ngành GD-ĐT tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy thực hiện công tác BHYT. Trên cơ sở chỉ tiêu phân bổ của UBND tỉnh, Sở GD-ĐT đã ban hành văn bản chỉ đạo đưa chỉ tiêu tham gia BHYT của HSSV vào kế hoạch năm học, làm cơ sở trong việc đánh giá thi đua thực hiện pháp luật trong các trường học, lấy chỉ tiêu học sinh tham gia BHYT làm tiêu chí thi đua khen thưởng và đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm. Bà Lê Thị Thảo, Trưởng phòng Chính trị – tư tưởng Sở GD-ĐT Đắk Lắk, cho biết Sở đã chỉ đạo làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh ngay tại trường học, khám sức khỏe định kỳ cho học sinh, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm; nhất là ở các cơ sở giáo dục mầm non, các trường có tổ chức nấu ăn bán trú, trường nội trú…
Tuy nhiên, theo bà Thảo, còn có vướng mắc trong việc trích lại 7% kinh phí của quỹ BHYT hỗ trợ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh tại các cơ sở giáo dục, đào tạo. Theo quy định của Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12.5.2016 của liên bộ Y tế – GD-ĐT về việc quy định công tác y tế trường học thì trường học phải có cán bộ y tế trình độ từ y sĩ trung cấp trở lên. Trong khi đó, phần lớn cán bộ y tế trường học trên địa bàn tỉnh không đủ tiêu chuẩn như quy định của Thông tư 13 nên nhiều trường học không được cấp kinh phí từ quỹ BHYT phục vụ hỗ trợ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh cũng như mua sắm các trang thiết bị, thuốc sơ cứu cần thiết, thực hiện công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe… “Hiện nay người tốt nghiệp ngành y từ y sĩ trung cấp trở lên rất ít người muốn về làm việc tại các cơ sở giáo dục, nếu không nói là không có; do đó các trường rất khó tuyển dụng cán bộ y tế theo tiêu chuẩn này. Ngành GD-ĐT đã kiến nghị cấp trên và các ngành liên quan xem xét cấp kinh phí từ quỹ BHYT cho các trường học hợp đồng với các cơ sở khám chữa bệnh đủ chuẩn để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh nhưng đến nay vẫn chưa được đồng ý”, bà Thảo cho biết.
Theo ông Lê Xuân Khánh, để tiếp tục giữ vững và phát triển đối tượng HSSV tham gia BHYT, BHXH tỉnh đang phối hợp với Sở Y tế và các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho HSSV nhằm tăng nhanh diện bao phủ BHYT cho nhóm đối tượng này; nhất là các HSSV thuộc hộ gia đình khó khăn chưa có điều kiện tham gia BHYT. Ngành BHXH cũng đã đề nghị Bộ Y tế sớm giải quyết những vướng mắc trong việc trích chuyển kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu do các cơ sở giáo dục hoặc cơ sở giáo dục nghề nghiệp không đủ điều kiện về nhân lực nhằm duy trì và phát triển mạng lưới y tế trường học, thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho HSSV, thu hút HSSV tham gia BHYT ngày càng đông và đảm bảo tính bền vững.
Thông tin về BHYT đến từng phụ huynh học sinh
Trong năm học 2018-2019, nhiều đơn vị BHXH ở Đắk Lắk đã có cách làm thiết thực, hiệu quả cao trong việc vận động HSSV tham gia BHYT. Bà Nguyễn Thị Thanh Trà, Phó giám đốc BHXH TP.Buôn Ma Thuột, cho biết đầu năm học, BHXH thành phố đã chủ động cung cấp thông tin đến các bậc phụ huynh học sinh trên địa bàn nội dung cần biết về BHYT như quy định HSSV đang theo học tại các trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân thuộc đối tượng bắt buộc tham gia theo Luật BHYT; những lợi ích của tham gia BHYT… “Những nội dung này được chúng tôi gửi đến từng phụ huynh học sinh đồng thời cũng nhấn mạnh ý nghĩa tham gia BHYT còn góp phần giáo dục các em HSSV có tinh thần tương thân tương ái, sống yêu thương, biết chia sẻ vì cộng đồng để trở thành người con hiếu thảo với gia đình, một công dân tốt cho xã hội. Từ đó, thông tin càng có sức thuyết phục hơn”, bà Trà nói.
Bên cạnh đó, tờ rơi thông tin của BHXH TP.Buôn Ma Thuột cũng giải thích rõ mức phí BHYT từ ngày 1.7.2018 bằng 4,5% mức lương cơ sở; cụ thể mức phí BHYT của học sinh lớp 1 (tiếp nối với thẻ BHYT trẻ em dưới 6 tuổi); phí BHYT của học sinh lớp 12 đóng trong năm học và tính hết năm 2019 để thẻ BHYT có giá trị sử dụng liên tục… Nhờ đó, phụ huynh học sinh nắm bắt đầy đủ thông tin, yên tâm tham gia BHYT cho con em của mình.
|
Tăng mức đóng BHYT với nhiều đối tượng từ ngày 1.7.2019:
Từ ngày 1.7.2019, mức lương cơ sở tăng lên 1,49 triệu đồng/tháng theo Nghị quyết 70/2018/QH14. Trong khi đó, Luật BHYT quy định mức đóng BHYT hằng tháng của các đối tượng sau đây bằng 4,5% mức lương cơ sở. Cụ thể như: Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; người đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; người lao động nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau do mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày; cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng; người tham gia BHYT hộ gia đình.
Khi lương cơ sở tăng từ 1,39 triệu đồng/tháng lên 1,49 triệu đồng/tháng, mức đóng BHYT hằng tháng của các đối tượng trên là 67.050 đồng/tháng, thay cho 62.550 đồng/tháng như trước.
Đối tượng được ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng như: Học sinh, sinh viên, hộ gia đình làm nông, lâm nghiệp có mức sống trung bình, mức đóng sẽ là: 1.490.000 đồng x 4,5% x 12 tháng = 804.600 đồng/người/năm. Trong đó: đối tượng tự đóng: 804.600 đồng x 70% = 563.220 đồng; ngân sách Nhà nước hỗ trợ: 804.600 đồng x 30% = 241.380 đồng.
|
Nguồn: thanhnien.vn