Hợp đồng bảo hiểm là một thỏa thuận giữa hai bên. Trong đó, người được bảo hiểm phải trả phí cho công ty bảo hiểm và nhận các quyền lợi đã cam kết trong trường hợp xảy ra tổn thất. Đối với trái phiếu có bảo lãnh, có ba bên tham gia, gồm: Bên bán trái phiếu (bên được bảo lãnh), công ty bảo lãnh và bên mua trái phiếu được phát hành.
Hợp đồng bảo hiểm được thiết lập dựa trên sự chấp thuận của cả đôi bên trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, tự do giao kết trong khuôn khổ pháp luật và đạo đức xã hội. Các bên ký kết đều có quyền và nghĩa vụ, quyền của bên này là nghĩa vụ của bên kia và ngược lại. Người bảo hiểm phải đảm bảo cho các rủi ro còn người được bảo hiểm phải trả phí bảo hiểm.
Trong khi đó, theo luật bảo lãnh, nếu bất kỳ tổn thất nào do trái phiếu gây ra cho bên công ty bảo lãnh thì bên bán phải hoàn trả phí cho công ty này. Do vậy, bên bán sẽ được yêu cầu ký thỏa thuận bồi thường hoặc một thỏa thuận tương đương có lợi cho công ty bảo lãnh trước khi trái phiếu được phát hành cho bên mua.
Trong việc bảo lãnh một trái phiếu, người bảo lãnh sẽ xem xét thái độ, hoàn cảnh của bên yêu cầu được bảo lãnh. Tùy thuộc vào bản chất bảo lãnh, người bảo lãnh cũng sẽ yêu cầu những biện pháp bảo đảm an toàn hơn như thế chấp bất động sản, cổ phiếu,….
Mục đích chính của công ty bảo lãnh trái phiếu không phải là để trả các khoản lỗ mà là thực hiện một dịch vụ mua – bán cho các cá nhân hoặc tập đoàn đáng tin cậy có nhu cầu về trái phiếu. Đây là sự khác biệt lớn nhất giữa trái phiếu có bảo lãnh và hợp đồng bảo hiểm.
Hơn nữa, trong bảo hiểm, công ty bảo hiểm có quyền hủy hợp đồng giữa chừng với bên được bảo hiểm, kèm theo phí hoàn lại trong thời gian hợp đồng chưa kết thúc. Ngược lại, nhiều trái phiếu không thể bị hủy bỏ trừ khi có lý do cụ thể hợp pháp. Do đó, thời hạn của trái phiếu phụ thuộc vào việc bên bảo lãnh hoàn thành nghĩa vụ hoặc hết hạn vào ngày đã định sẵn (nếu có).
Thanh Thư (Theo Business Mirror)
Nguồn: vnexpress.net