Ngày 1.7.2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Khoản trợ cấp 26.000 tỉ đồng được Chính phủ xác định nhằm hỗ trợ cho người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động. Trong 12 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động của Nghị quyết 68/NQ-CP, có 3 chính sách liên quan trực tiếp đến ngành BHXH Việt Nam, gồm: Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, BHXH tỉnh cũng thực hiện xác nhận các chính sách hỗ trợ thiết thực khác như: Hỗ trợ người lao động tạm hoãn, chấm dứt hợp đồng lao động, ngừng việc, nghỉ việc không lương; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn, trả lương ngừng việc cho người lao động.
Ông Mạc Thanh Giang, Phó giám đốc BHXH tỉnh Ninh Thuận cho biết, ngay sau khi Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg được ban hành, để kịp thời tổ chức triển khai thực hiện 3 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19 của ngành BHXH, BHXH Ninh Thuận có văn bản báo cáo Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT tỉnh Ninh Thuận; chủ động, tích cực phối hợp với cơ quan truyền thông tuyền truyền các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg; có văn bản hướng dẫn các đơn vị sử dụng lao động về đối tượng, điều kiện, hồ sơ, quy trình thủ tục thực hiện; kịp thời thực hiện xác nhận các danh sách người lao động (NLĐ) tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; danh sách NLĐ ngừng việc; danh sách lao động ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19… theo quy định tại Quyết định 23/2021/QĐ-TTg để đơn vị, doanh nghiệp, NLĐ có đủ hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền thực hiện các chính sách hỗ trợ nhằm ổn định đời sống hoặc vay vốn để duy trì, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị, doanh nghiệp.
Theo ông Mạc Thanh Giang, để thực hiện tốt Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, BHXH Ninh Thuận đã phân công nhiệm vụ cụ thể, xác định rõ trách nhiệm của từng bộ phận, từng cán bộ; quán triệt công chức, viên chức, NLĐ tuân thủ các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Ninh Thuận và BHXH Việt Nam trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với NLĐ và doanh nghiệp, tuyệt đối không phát sinh thêm thủ tục, hồ sơ ngoài quy định tại Quyết định 23/2021/QĐ-TTg; rút ngắn thời gian giải quyết, không gây khó khăn, phiền hà, không để hồ sơ quá hạn; trường hợp hồ sơ còn thiếu, có sai sót cần kịp thời hướng dẫn, không để tình trạng hồ sơ chuyển đi, chuyển lại nhiều lần; giám sát quá trình thực hiện để chấn chỉnh kịp thời sai sót (nếu có); coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, quan trọng, cần tập trung ưu tiên thực hiện. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành địa phương trong công tác tham mưu và tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, hoặc báo cáo, đề xuất cơ quan thẩm quyền giải quyết các vướng mắc phát sinh, tạo thuận lợi nhất cho NLĐ và doanh nghiệp.
Nhờ làm tốt công tác triển khai thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, đến nay BHXH Ninh Thuận đã chủ động điều chỉnh giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bằng 0% cho 1.185 đơn vị (21.296 lao động) với tổng số tiền (tạm tính) được giảm mức đóng 12 tháng (từ ngày 1.7.2021 đến 30.6.2022) là 6.507.408.318 đồng. Tiếp nhận và xác nhận kịp thời cho 7 đơn vị về danh sách người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, người lao động ngừng việc.
Nguồn: thanhnien.vn