Tuy nhiên, trong 10 tháng qua, chỉ còn 30.170 người tham gia BHXH tự nguyện, giảm 21.231 người so với năm 2021. Đặc biệt, tổng số người thuộc hộ nghèo, cận nghèo tham gia BHXH tự nguyện chỉ còn 848 người, giảm hơn 6.000 người so với năm 2021.
Ngoài những lý do khách quan như ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá cả tiêu dùng tăng, thì có thực tế là chính sách BHXH tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn.
Năm 2020, tôi có tham dự hội thảo “Tiếp cận an sinh xã hội của người lao động di cư Việt Nam” do Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ phối hợp nhiều đơn vị chức năng tổ chức. Tại hội thảo, các chuyên gia chia sẻ rằng hiện BHXH tự nguyện chỉ có 2 chính sách dài hạn là bảo hiểm hưu trí và tử tuất, thời gian đóng để hưởng lương hưu dài (20 năm tham gia BHXH). Trong khi đó, theo khảo sát của Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB-XH), đa số người tham gia BHXH tự nguyện muốn được bổ sung thêm chế độ, điển hình là chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động…
Chính sách BHXH tự nguyện hiện chưa hấp dẫn lao động tự do |
NHẬT THỊNH |
Một lý do khác khiến BHXH chưa hấp dẫn người tham gia chính là chế độ của BHXH tự nguyện không thay đổi, nhưng mức đóng tăng lên. Đối chiếu quy định về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025, từ năm 2022 mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu có sự điều chỉnh theo hướng tăng: từ 107.800 đồng lên 231.000 đồng/người/tháng với người thuộc hộ nghèo; từ 115.500 đồng lên 247.500 đồng/người/tháng với người thuộc hộ cận nghèo; từ 138.600 đồng lên 297.000 đồng/người/tháng với đối tượng khác.
Chính vì vậy, đã có nhiều ý kiến rằng, cần nhanh chóng sửa đổi luật BHXH năm 2014. Trong đó, mở rộng thêm chế độ ngắn hạn cho người tham gia BHXH tự nguyện. Song song đó, chính quyền địa phương cũng cần xem xét tăng mức hỗ trợ từ ngân sách đối với người tham gia BHXH tự nguyện trong bối cảnh lạm phát gia tăng và đời sống người lao động còn nhiều khó khăn như hiện nay.
Nguồn: thanhnien.vn