Làm ở phòng nhân sự của một công ty về lĩnh vực bất động sản tại Hà Nội, chị Huyền Trang (30 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) có mức lương 10 triệu đồng/tháng.
Chị đã cùng công ty trải qua giai đoạn kinh doanh thuận lợi. Chị Trang cho biết, khi đó, những nhân viên bán hàng (sale) có mức thu nhập rất “khủng”. Mức lương cơ bản chỉ thuộc diện trung bình, thu nhập chủ yếu của chị nhận về từ % doanh thu bán căn hộ.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, tình hình kinh doanh của công ty gặp nhiều khó khăn. Sau khi nghỉ hết 6 tháng thai sản, chị Huyền Trang tiếp tục xin nghỉ không lương thêm vài tháng nữa. Do không ai hỗ trợ chăm sóc con, buộc chị phải nghỉ thêm ở nhà.
Tháng 10/2023 là thời điểm chị bắt buộc phải đi làm trở lại. Song, gia đình vẫn chưa thể thu xếp được người chăm sóc bé. Tết Nguyên đán cận kề, chị phải bỏ khoản tiền thưởng Tết, chấm dứt hợp đồng lao động để toàn tâm, toàn ý ở nhà chăm sóc con.
Sau khi nghỉ việc, chị tìm hiểu thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Do được tư vấn kỹ lưỡng, chị Trang đã làm hồ sơ, nộp trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Chính vì vậy, chị chỉ mất thêm 1 buổi nữa đến Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội nhận quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
“Làm thủ tục online về bảo hiểm thất nghiệp trên cổng Dịch vụ công quốc gia khá dễ dàng, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian”, chị Trang nói.
Với mức hưởng theo quy định, mỗi tháng chị nhận về 3,9 triệu đồng/tháng. Trong thời gian chưa tìm được việc làm mới, đây là khoản tiền giúp chị trang trải chi phí bỉm, sữa cho con gái đầu lòng.
Xếp số ngay sau chị Trang là anh N.M. (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Anh cũng đến trung tâm làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trước đây, anh là nhân viên chăm sóc khách hàng, tại một đại lý ô tô ở Hà Nội. Sau một thời gian, anh tình nguyện lên chi nhánh công ty ở Sơn La đảm nhiệm vị trí quản lý.
Sau thời gian làm 3-4 năm, cơ hội trở về Hà Nội làm việc của anh chưa có. Vì vậy, anh quyết định nghỉ việc để tìm việc mới phù hợp hơn.
“Thu nhập của tôi ở mức 15-17 triệu đồng/tháng. Như vậy, thưởng tết cũng kha khá. Song do gia đình ở Hà Nội có việc đột xuất nên tôi đành nghỉ công việc ở thời điểm cuối năm, sát tết này”, anh M. chia sẻ.
Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, anh cũng tìm hiểu những công việc liên quan thế mạnh của mình trên thị trường lao động ở Hà Nội. Anh mong sẽ tìm được việc ở vị trí quản lý, mức lương tương đương công việc cũ.
Trong 11 tháng của năm 2023, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội giải quyết hơn 80.200 người nhận trợ cấp thất nghiệp, 730 người được hỗ trợ học nghề. Ước tính cả năm, hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng khoảng 20% so với 2022.
Từ tháng 10 đến nay, lượng hồ sơ gửi về giảm còn khoảng 6.000 bộ mỗi tháng. Lao động hưởng trợ cấp nhiều nhất là nhân viên bán hàng, kế toán, thợ may thêu và các nhóm thợ, môi giới bất động sản, xây dựng…
Theo báo cáo tình hình lao động, việc làm quý IV và cả năm 2023, Tổng Cục thống kê cho biết, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên quý IV/2023 là 7,62%, giảm 0,24% so với quý trước.
Số thanh niên thất nghiệp năm 2023 là khoảng 437.300 người, chiếm 41,3% tổng số người thất nghiệp. Cũng trong quý trên, cả nước có gần 1,5 triệu thanh niên 15-24 tuổi không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo, giảm 72.900 người so với quý trước, và giảm 19,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn: dantri.com.vn