Theo văn bản kiến nghị, cử tri tỉnh Tiền Giang cho rằng người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện với phụ cấp bằng 1.0 mức lương cơ sở thì hưởng chế độ hưu rất thấp. Do đó, cử tri đề nghị Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi sắp tới cần nghiên cứu, xem xét nâng mức hưởng chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Lương hưu thấp vì sao?
Văn bản trả lời của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu rõ mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Như vậy, lương hưu của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cao hay thấp do thời gian đóng và mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội mà người lao động đã lựa chọn.
Ngoài ra, Luật bảo hiểm xã hội quy định người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hằng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Còn mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (1,5 triệu đồng/tháng) và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở (29,8 triệu đồng/tháng).
Tùy điều kiện, khả năng tài chính và mong muốn, người lao động tham gia bảo hiểm tự nguyện lựa chọn mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm phù hợp.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Nguyễn Thị Thúy – phó trưởng phòng hưu trí Ban thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), cho hay lương hưu của người lao động liên tục được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội.
Đơn cử từ 1-1-2022, lương hưu đã được tăng thêm 7,4%. Cạnh đó, người nghỉ hưu trước ngày 1-1-1995 nếu có mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng dưới 2,5 triệu đồng cũng điều chỉnh thêm.
Theo bà Thúy, một số người có lương hưu thấp do thời gian đóng bảo hiểm xã hội chỉ đạt thời gian tối thiểu (20 năm) kèm mức đóng thấp hoặc nghỉ hưu sớm trước tuổi nên bị giảm 2% tỉ lệ. Do vậy, người lao động cần tăng tích lũy thời gian, mức đóng bảo hiểm xã hội để có lương hưu cao hơn.
Thêm chế độ thai sản cho người đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện?
Tại dự thảo Luật bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ thai sản khi là lao động nữ sinh con, lao động nam đang tham gia bảo hiểm xã hội có vợ sinh con. Những người này phải đóng bảo hiểm xã hội từ 6 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh con.
Mức hưởng 2 triệu đồng/con mới sinh với lao động nữ khi sinh con hoặc chồng đang đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện có vợ sinh con. Trường hợp chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng sẽ được hưởng trợ cấp thai sản. Nếu cả cha và mẹ cùng đóng bảo hiểm xã hội thì chỉ một trong hai được hưởng chế độ. Kinh phí từ ngân sách nhà nước.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông André Gama – giám đốc Chương trình an sinh xã hội của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, cho rằng trợ cấp thai sản phải được xem là quyền của mọi bà mẹ ở Việt Nam, bất kể tình trạng và tính chất công việc. Tuy vậy, ông cảnh báo nhiều phụ nữ ở Việt Nam sẽ khó tiếp cận chế độ thai sản do không đủ điều kiện tham gia hoặc khả năng đóng bảo hiểm xã hội. Về lâu dài, Việt Nam cần có hệ thống phổ cập trợ cấp thai sản cho cả phụ nữ không tham gia thị trường lao động từ nguồn thuế, trợ cấp xã hội.
Theo kinh nghiệm quốc tế, ông André Gama nêu rõ bảo hiểm xã hội tự nguyện nhìn chung thiếu hiệu quả và không thể mở quá rộng diện bao phủ. Do đó, ông khuyến nghị cơ quan chức năng nghiên cứu chính sách hấp dẫn hơn để tăng cường số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc như bài học tăng diện bao phủ bảo hiểm y tế.
Nguồn: tuoitre.vn