Sáng 23-11, giải trình thêm về vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần được các đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu rõ đây là vấn đề lớn, quan trọng, nhạy cảm, vừa có tính chất chính trị – xã hội nhưng cũng có tính chất chuyên môn rất cao.
Do đó, ông nói ban soạn thảo và Chính phủ sẽ tiếp tục cân nhắc thấu đáo, nghiên cứu, lấy thêm ý kiến của các đối tượng thụ hưởng, của người sử dụng lao động.
50% là thời gian đóng, chứ không phải mức đóng
Ông cho hay để đưa ra phương án hưởng bảo hiểm xã hội một lần cần hướng tới hai mục tiêu cơ bản.
Cụ thể, thứ nhất, đáp ứng được nhu cầu chính đáng của người tham gia bảo hiểm xã hội vẫn có quyền được rút bảo hiểm xã hội.
Thứ hai, phải phấn đấu để giữ chân người lao động trong hệ thống đảm bảo an sinh xã hội và chăm lo cho người dân khi về già có lương hưu, đảm bảo cuộc sống.
“Hiện tại chúng ta khó có thể đưa ra một phương án tối ưu, phương án chỉ có ưu điểm, mà sẽ đi theo phương án tiếp tục đề xuất, hoặc chọn phương án nhiều ưu điểm hơn.
Chúng tôi cho rằng việc điều chỉnh hưởng bảo hiểm xã hội một lần sẽ tiếp tục theo hướng là người lao động có quyền thực hiện vấn đề này và không phân biệt người đóng trước hay đóng sau khi luật có hiệu lực”, ông Dung nêu rõ.
Trước ý kiến một số đại biểu nêu về nhiều mức cho rút bảo hiểm xã hội khác nhau như chỉ được rút 8% người lao động đóng hay đề nghị giữ lại phần 14% người sử dụng đóng, Bộ trưởng nhắc lại phương án 2, người lao động chỉ được rút 50% và bảo lưu 50% còn lại.
Ông lý giải 50% là thời gian đóng, chứ không phải mức đóng. 50% để lại được bảo lưu sẽ ghi nhận trong sổ bảo hiểm xã hội để người lao động tiếp tục được hưởng các quyền lợi.
Khi quay trở lại tham gia bảo hiểm, người lao động sẽ được cộng tiếp vào thời gian đóng. Còn nếu không tái tham gia bảo hiểm xã hội, người lao động sẽ hưởng trợ cấp hằng tháng khi đến tuổi nghỉ hưu.
“Phương án bảo lưu 50% thời gian đóng đảm bảo quyền của người tham gia hưởng một lần, công bằng giữa người tham gia trước và sau khi luật có hiệu lực, phù hợp với khuyến nghị của tổ chức quốc tế.
Đồng thời, vẫn giữ chân người lao động trong hệ thống an sinh”, bộ trưởng nhấn mạnh.
Phương án 2 tối ưu hơn trong tất cả các phương án
Cũng theo Bộ trưởng Dung, phương án của ban soạn thảo nêu ra, số kinh phí khi rút cũng sẽ tương đương với số đóng của người lao động là 8%. Tức là 8% tiền lương đóng của người lao động trong 1 năm sẽ tương đương với 0,96% tháng lương.
Ông cũng nhấn mạnh sẽ khó khắc phục được hạn chế và khó thực thi nếu như theo phương án một số đại biểu Quốc hội nêu.
Vì tỉ lệ đóng và quỹ hưu trí tử tuất của người lao động thời gian qua rất khác nhau. Có thời gian ghi 5%, 6%, 7% và hiện nay là 8%. Nếu tính 8% sẽ không thực hiện được đối với người 5%, 6%, 7%.
Bên cạnh đó, có người hiện nay phải đóng cả 22%, ví dụ phu nhân, phu quân ở các ngoại giao đoàn hay người Việt Nam lao động ở nước ngoài đóng cả 22%.
Thêm đó, có đối tượng cá nhân không phải đóng mà Nhà nước đóng 100% như hạ sĩ quan, binh sĩ, học viên lực lượng vũ trang…
“Do đó có thể thấy phương án 2 là 50% đã tính toán. Đây là phương án tối ưu hơn trong tất cả các phương án đang có hiện nay”, ông Dung nhấn mạnh.
Nguồn: tuoitre.vn