Sáng 17-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Dự kiến thêm 1,1 triệu người có thể được hưởng
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho hay dự thảo luật bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng theo định hướng tại nghị quyết số 28 của trung ương.
Trong đó điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách.
Dự thảo luật quy định công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khác, thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách đảm bảo.
Việc này nhằm phấn đấu đạt mục tiêu trung ương giao đến năm 2030 khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.
Theo ông Dung, dự thảo bổ sung quy định người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu (chưa đủ 15 năm đóng) và cũng chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi) được lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng của người lao động.
Đồng thời trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng thì được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách đảm bảo.
Ông chỉ rõ quy định này giúp tăng thêm đối tượng hưởng trợ cấp hằng tháng mà ngân sách không phát sinh tăng nhiều.
Người lao động có thời gian đóng bắt buộc 5 năm, nếu không hưởng một lần có thể được hưởng trợ cấp hằng tháng (với mức thấp nhất bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội) ngay từ khi đủ tuổi nghỉ hưu, thay vì phải chờ đến 75 tuổi.
Dự kiến tổng số người được hưởng quyền lợi từ chính sách này tăng lên trên 800.000 người do giảm tuổi và khoảng 300.000 người do liên kết tầng trợ cấp hưu trí xã hội với tầng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Bộ trưởng Dung thông tin thêm dự thảo luật đã sửa đổi theo hướng quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu hằng tháng.
Quy định này nhằm tạo cơ hội cho một số nhóm đối tượng bắt đầu tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc tham gia không liên tục hoặc làm công việc đặc thù có thời gian làm nghề ngắn dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng và được bảo đảm bảo hiểm y tế.
Đồng thời góp phần giảm số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần do đủ điều kiện hưởng lương hưu. Người lao động có thời gian đóng dài hơn thì vẫn được hưởng lương hưu, với tỉ lệ hưởng lương hưu cao hơn không thay đổi so với quy định hiện hành.
Đề nghị đánh giá kỹ hơn tác động
Thẩm tra nội dung trợ cấp hưu trí xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho hay đa số ý kiến thường trực ủy ban và một số ý kiến các cơ quan Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia thẩm tra, góp ý nhất trí việc bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội như đề xuất.
Tuy nhiên đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ lưỡng hơn tác động của việc quy định trợ cấp hưu trí xã hội đối với ngân sách nhà nước.
Cùng với đó là xung đột chính sách khi đưa các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh và áp dụng của Luật Người cao tuổi sang dự án luật này, ảnh hưởng đến chính sách khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện…
Về các điều kiện hưởng chế độ này, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá tác động kỹ lưỡng và cung cấp thêm thông tin cho đại biểu Quốc hội để tăng tính thuyết phục cho đề xuất chính sách này.
Tiếp tục rà soát các quy định có liên quan, bảo đảm việc quy định điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội không gây ra xung đột chính sách, đồng thời bảo đảm nguồn lực từ ngân sách để thực hiện…
Đa số ý kiến thường trực ủy ban cho rằng quy định giảm số năm tối thiểu đóng xuống còn 15 năm là phù hợp. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ cần giải trình kỹ lưỡng, thuyết phục về thay đổi này ở cả khía cạnh nguyên tắc đóng – hưởng, chia sẻ của bảo hiểm.
Nguồn: tuoitre.vn