Một ca bệnh tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) – Ảnh do bệnh viện cung cấp
Đó là công văn 1647 hướng dẫn vướng mắc trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Đề nghị thu hồi văn bản của bảo hiểm
Theo thông tin từ Bộ Y tế, sau khi có thông tư 35/2016 về điều kiện thanh toán bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có công văn 1647 gửi Bộ Y tế ngày 12-5-2017 về hướng dẫn việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh, từ đó nảy sinh một số vướng mắc. Cụ thể, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho rằng mục 3 của công văn 1647 hướng dẫn sai về chuyên môn làm giảm hiệu quả, kéo dài thời gian trị liệu cho người bệnh.
“Đề nghị Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế là đầu mối, yêu cầu Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện đúng quy định của thông tư số 35/2016/TT-BYT ngày 28-9-2016, không hướng dẫn chuyên môn sai quy định” – văn bản của Cục Quản lý khám chữa bệnh khẳng định.
Tuy nhiên trong thời gian qua, nhiều bệnh viện tiếp tục gặp các vướng mắc liên quan đến thông tư 35 và công văn 1647. Theo đó, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng thông tư 35 quy định nếu thực hiện đồng thời nhiều kỹ thuật có cùng cơ chế tác dụng cho một vùng, vị trí hoặc một bộ phận thì thanh toán 1 kỹ thuật/ngày.
Tuy nhiên, một số kỹ thuật thực hiện tại bệnh viện được chỉ định trên 2 vị trí khác nhau của cơ thể như vai và gối, nhưng Bảo hiểm xã hội Thừa Thiên Huế thực hiện theo công văn số 1647 đã tạm gác lại kỹ thuật này. Theo bệnh viện, như vậy là chưa phù hợp với thông tư 35.
Bệnh viện cũng đề nghị xem xét do dịch vụ siêu âm điều trị, điều trị bằng từ trường khó có thể cùng một cơ chế tác dụng tại một vị trí khi dùng thủ thuật phục hồi chức năng, như công văn 1647 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Bên cạnh đó, tiền giường điều trị ban ngày chưa được thanh toán.
Sau những vướng mắc trên, Cục Quản lý khám chữa bệnh đã chủ trì lấy ý kiến, sửa đổi thông tư 35. Ngày 29-12-2017, Bộ Y tế ban hành thông tư 50 sửa đổi, bổ sung thông tư 35.
Nhưng Bộ Y tế vẫn tiếp tục nhận được các báo cáo từ các địa phương cho biết vẫn còn vướng mắc, như Sở Y tế Tuyên Quang báo cáo về việc tổ chức thực hiện do Bảo hiểm xã hội Việt Nam vẫn sử dụng công văn 1647 để thanh toán cho cơ sở khám chữa bệnh.
“Đề nghị Vụ Pháp chế và các cơ quan liên quan xem xét, thu hồi văn bản số 1647 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam do ban hành sai thẩm quyền, hướng dẫn sai về chuyên môn” – Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế đề nghị.
Tố qua, tố lại
Đây không phải lần đầu tiên Bộ Y tế bức xúc vì các văn bản của phía bảo hiểm. Đã nhiều lần phía bảo hiểm phản ứng lại những bức xúc này.
Lần này, theo Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, hướng dẫn trong công văn 1647 của bảo hiểm là không đúng chuyên môn, không thống nhất giữa các tỉnh, trong khi người bệnh ở đây là người khuyết tật là đối tượng khó khăn, không được can thiệp một cách tích cực. Trong khi thầy thuốc thì luôn phải chống đỡ với việc thanh toán, nguy cơ xuất toán theo một văn bản không đúng chuyên môn.
Cục Quản lý khám chữa bệnh cũng cho rằng việc Bảo hiểm xã hội dẫn chiếu tài liệu trong công văn 1647 cũng không đúng, Bộ Y tế không ban hành tài liệu nào như vậy.
“Sau khi có công văn 1647, Cục Quản lý khám chữa bệnh đã họp với Vụ Pháp chế, Vụ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tất cả đều thống nhất sửa đổi thông tư 35. Nhưng khi sửa đổi thông tư 35 rồi, họ vẫn áp dụng công văn 1647 để thanh toán. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã hướng dẫn sai thẩm quyền, sai nội dung, giờ phải thực hiện theo thông tư 50 thì họ lại không áp dụng, văn bản một đằng áp dụng một nẻo” – đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh bức xúc cho biết.
Nguồn: tuoitre.vn