Việc Bộ Y tế và BHXH VN chưa tìm được “tiếng nói chung” sẽ gây không ít khó khăn cho người bệnh KCB BHYT – Ảnh: DUYÊN PHAN
Công văn phúc đáp của BHXH VN vừa được gửi đi trong bối cảnh Bộ Y tế có ý kiến phản bác hai công văn số 4996 và 5219 của BHXH VN có nhiều nội dung “không phù hợp”, trực tiếp gây khó khăn cho các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) và ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh tham gia BHYT.
Bảo lưu quan điểm của hai công văn “không phù hợp”
Theo BHXH VN, mục đích của việc ban hành hai công văn 4996 và 5219 là để kịp thời triển khai thực hiện nghị định 146 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT có hiệu lực từ ngày 1-12-2018. Trước khi ban hành, đơn vị có gửi dự thảo xin ý kiến Bộ Y tế.
“Các ý kiến góp ý của Bộ Y tế đã được BHXH VN tiếp thu đưa vào hướng dẫn tại công văn số 4996. Đến nay chưa nhận được ý kiến phản ảnh của người có thẻ BHYT hay cơ sở KCB về khó khăn, vướng mắc do các nội dung hướng dẫn ở hai công văn nêu trên” – công văn nêu.
Ở công văn phúc đáp này, BHXH VN vẫn bảo lưu quan điểm như trong hai công văn nêu trên. Theo đó, về quy định người bệnh tự đi KCB không đúng tuyến, BHXH VN lý giải đơn vị chỉ hướng dẫn giải quyết quyền lợi đối với các trường hợp tự đi KCB không đúng tuyến được chuyển tuyến theo quy định tại khoản 3, điều 14, nghị định 146.
Đơn vị không hướng dẫn về thủ tục KCB quy định tại khoản 3 điều 15 nghị định 146 như Bộ Y tế phản biện, đồng thời điều này cũng không quy định trường hợp nào là KCB đúng tuyến và không đúng tuyến…
Vấn đề sử dụng giấy hẹn khám lại, BHXH VN cho rằng nghị định 146 không quy định việc sử dụng giấy hẹn khám lại đối với các trường hợp tự đi KCB không đúng tuyến tại tuyến tỉnh, tuyến trung ương…
Do đó, trường hợp này quỹ BHYT không chi trả đối với khám ngoại trú hoặc chỉ chi trả một phần đối với KCB nội trú. Riêng trường hợp đi KCB theo quy định không cần giấy chuyển tuyến nên việc có hay không sử dụng giấy hẹn khám lại trong trường hợp này là không cần thiết.
Ngoài ra, BHXH VN cũng trả lời nhiều vấn đề khác liên quan.
Danh sách 18 công văn của BHXH VN gửi xin ý kiến nhưng chưa được Bộ Y tế trả lời – Ảnh: BHXH VN CC
Khám chữa bệnh theo yêu cầu ra sao?
Về việc KCB theo yêu cầu của người bệnh, BHXH VN cho rằng luật BHYT và nghị định 105 của Chính phủ quy định cụ thể về phạm vi, mức hưởng BHYT trong trường hợp KCB theo yêu cầu của người bệnh nhưng nghị định 146 lại không đưa nội dung hướng dẫn này vào, khiến cơ quan BHXH không có cơ sở để thanh toán.
Đến nay Bộ Y tế vẫn chưa có hướng dẫn làm rõ dịch vụ KCB theo yêu cầu bao gồm những dịch vụ gì!?
Đối với việc dừng thanh toán các trường hợp chuyển người bệnh hoặc bệnh phẩm đến các cơ sở y tế khác để thực hiện xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, đến nay Bộ Y tế vẫn chưa ban hành thông tư này.
Mặc dù Bộ Y tế có ban hành hai thông tư hướng dẫn nhưng cả hai đều chưa quy định về nguyên tắc và danh mục xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng được chuyển đến cơ sở KCB hoặc đơn vị thực hiện dịch vụ. Điều này khiến cơ quan BHXH chưa có cơ sở để thanh toán chi phí KCB.
Nhiều bệnh viện thành “con nợ” do Bộ Y tế?
BHXH VN cho rằng với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về BHYT nhưng Bộ Y tế chưa ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật, một số văn bản ban hành chậm, có nội dung chưa phù hợp quy định của Luật BHYT, nghị định của Chính phủ và chậm trễ trả lời các văn bản xin ý kiến của BHXH VN.
“Đây chính là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều vướng mắc trong thanh toán chi phí KCB BHYT giữa cơ quan BHXH và cơ sở KCB chưa được giải quyết kịp thời” – công văn nêu.
18 công văn… chờ Bộ Y tế
Theo BHXH VN, từ năm 2017 đến nay có 18 công văn của đơn vị đề nghị Bộ Y tế cho ý kiến để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thanh toán chi phí KCB BHYT nhưng chưa nhận được câu trả lời từ Bộ Y tế.
Các công văn này khá quan trọng, liên quan trực tiếp đến thanh toán chi phí phẫu thuật, thanh toán chi phí KCB BHYT, hợp đồng KCB BHYT và hướng dẫn đăng ký KCB BHYT ban đầu… Cá biệt có một số công văn cùng một nội dung được “nhắc” nhiều lần nhưng không nhận được hồi đáp từ Bộ Y tế.
Việc không được phản hồi gây ra một số khó khăn vướng mắc trong tổ chức thực hiện BHYT. BHXH VN viện dẫn điều 30 Luật BHYT quy định có 3 phương thức thanh toán nhưng hiện nay chỉ có một phương thức thanh toán là thanh toán theo giá dịch vụ. Trong khi phương thức thanh toán theo định suất năm 2019 chưa được thực hiện do Bộ Y tế vẫn chưa ban hành thông tư hướng dẫn. Và phương thức thanh toán theo trường hợp bệnh đã gần… 10 năm chưa được ban hành. Điều này gây khó khăn cho việc quản lý quỹ BHYT hợp lý và hiệu quả.
Kế đến là điều 31 Luật BHYT giao Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính quy định thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc. Tuy nhiên, Bộ Y tế mới chỉ quy định được giá khám bệnh và giá ngày giường. Còn lại các dịch vụ KCB khác đang được quy định cùng một mức giá cho tất cả các cơ sở KCB (từ trạm y tế xã cho đến bệnh viện hạng đặc biệt).
Mới nhất là nghị định số 146 của Chính phủ giao Bộ Y tế hướng dẫn một số nội dung như thẩm định cơ sở KCB đăng ký KCB BHYT ban đầu; ban hành quy định nguyên tắc, danh mục xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh… Thực tế đến nay Bộ Y tế vẫn chưa ban hành thông tư hướng dẫn đồng bộ với nghị định nêu trên. Việc này đã gây khó khăn cho cơ sở KCB cũng như cơ quan BHXH trong tổ chức thực hiện…
Bộ Y tế: nhiều văn bản khó nên chưa thể trả lời ngay
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngay sau khi BHXH VN công bố 18 văn bản mà Bộ Y tế trễ hẹn chưa trả lời từ năm 2017 đến nay, phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế Phan Văn Toàn cho biết công văn phản hồi của Bộ Y tế vừa được Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn ký, phản hồi phía bảo hiểm là về hướng dẫn nghị định 146, có hiệu lực từ tháng 12-2018, không hướng dẫn các văn bản trước tháng 12-2018 nên đưa 18 văn bản được cho là “trễ hẹn” là không thuộc phạm vi này.
Tuy nhiên, ông Toàn cũng giải thích lý do vì sao Bộ Y tế nhận được 18 văn bản mà lại “im”. Theo ông Toàn, trong số 18 văn bản mà BHXH VN cho là đã hỏi nhưng không được trả lời thì có những văn bản trả lời rồi. “Ngày 14-3 chúng tôi sẽ có thống kê cụ thể” – ông Toàn cho biết.
Còn những văn bản “hỏi mà không được trả lời”, theo ông Toàn là có những vấn đề rất khó.
“Về tổng thanh toán năm 2017, 2018 phía BHXH có văn bản nhưng Bộ Y tế, BHXH, các bệnh viện đang cùng bàn, tuy nhiên chưa thống nhất được xung quanh hệ số K áp dụng để thanh toán.
Nếu chưa thống nhất thì BHXH phải thực hiện theo thông tư là áp dụng hệ số do Tổng cục Thống kê đã công bố, nhưng bảo hiểm không thống nhất hệ số này, vì thế phải bàn.
Chúng tôi cũng muốn có văn bản hỏi thì trả lời ngay, nhưng trao đổi cấp vụ không thống nhất, đưa lên cấp thứ trưởng, bộ trưởng chưa thống nhất thì phải xin ý kiến phó thủ tướng, trình tự là như vậy chứ không phải Bộ Y tế chậm” – ông Toàn nói.
Ông Toàn cũng cho rằng trong các cuộc trao đổi này đều có đại diện bảo hiểm, vị đại diện này cũng nói là khó.
“Lúc ra thông tư thì phía bảo hiểm đã thống nhất, nay áp dụng thực tế có những vướng mắc nhất định. Khi có vướng mắc chúng tôi muốn tìm câu trả lời rõ là thực hiện như thế nào cho đúng, vừa đúng thực tế vừa hợp quy định pháp luật, chứ không phải hướng dẫn kiểu theo văn bản số… ngày… thì làm thế này thế khác” – ông Toàn cho biết thêm.
Trả lời Tuổi Trẻ lý do những tranh cãi giữa hai phía bảo hiểm và y tế kéo dài, ông Toàn cho rằng do các bên chưa thống nhất, không phải vì Bộ Y tế chậm.
Nguồn: tuoitre.vn