Vì thế, rất cần một phiên giải trình trước một ủy ban của Quốc hội để cơ quan quản lý thị trường bảo hiểm – Bộ Tài chính “nói thật” cho xã hội biết chuyện gì đang xảy ra.
Phiên giải trình là cần thiết bởi những bất cập, hạn chế, thậm chí vi phạm của hoạt động bảo hiểm (trong đó có bảo hiểm nhân thọ) đã tồn tại nhiều năm nay phải chăng là do Luật Kinh doanh bảo hiểm chưa đủ chặt chẽ hay do cơ quan quản lý đã không kịp thời chấn chỉnh, đã tạo mảnh đất màu mỡ cho những hoạt động mập mờ, méo mó, lộn xộn diễn ra. Câu trả lời phải được nghe từ tư lệnh ngành, ở đây là bộ trưởng Bộ Tài chính – nơi được giao quản lý, giám sát thị trường bảo hiểm.
Giọt nước tràn ly, hàng loạt vụ việc lùm xùm liên tục vừa qua khiến ánh nhìn của nhiều người dân về các loại bảo hiểm méo mó, mất thiện cảm.
Bảo hiểm nhân thọ, tấm đệm cho người dân trước các rủi ro, đầy ý nghĩa tốt đẹp nay bị vấy lên những hình ảnh xấu xí. Nếu không kịp thời phân tích, mổ xẻ, chấn chỉnh, lập lại trật tự quản lý sẽ gây thiệt hại cho người dân và cả doanh nghiệp bảo hiểm khi khách hàng “sợ” tư vấn mập mờ.
Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội đều có quy định về thẩm quyền của Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội có quyền yêu cầu thành viên Chính phủ, chánh án Tòa án nhân dân tối cao, viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, tổng Kiểm toán Nhà nước và cá nhân hữu quan giải trình về những vấn đề thuộc lĩnh vực Hội đồng dân tộc, ủy ban của Quốc hội phụ trách.
Người được yêu cầu giải trình có trách nhiệm báo cáo, giải trình tại phiên họp của Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội. Đây là lúc “công cụ” giải trình cần được sử dụng để qua đó có các biện pháp truy cứu trách nhiệm, tìm kiếm nguyên nhân, bàn luận giải pháp lập lại trật tự, trả lại hình ảnh đẹp vốn có của hoạt động bảo hiểm.
Lùm xùm về bảo hiểm nhân thọ chưa kết thúc. Thiệt hại của người mua bảo hiểm còn đó. Vì vậy dư luận đang chờ Quốc hội cho tư lệnh ngành tài chính có cơ hội giải trình, nói thật, tường tận, kể cả “nỗi oan” nếu có của ngành bảo hiểm nhân thọ.
Nguồn: tuoitre.vn