Luật sư Dương Thị Ngọc, Giám đốc Công ty Luật PST cho biết, Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định, tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân. Như vậy, số tiền mua bảo hiểm nhân thọ do vợ hoặc chồng mua cho nhau là thu nhập do lao động, kinh doanh trong thời kỳ hôn nhân nên vẫn được coi là tài sản chung.
Vì số tiền mua bảo hiểm là tài sản chung, người vợ hoặc chồng vẫn có quyền yêu cầu chia tài sản đó. Số tài sản đó sẽ được phân chia theo quy định của pháp luật.
Còn về hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, chủ sở hữu hợp đồng có thể thực hiện các thay đổi đối với chính sách mà không cần thông báo cho người thụ hưởng mà chỉ cần báo với bên công ty bảo hiểm.
Hoặc chủ hợp đồng có thể ngừng thanh toán phí bảo hiểm hoặc cho phép chính sách mất hiệu lực. Điều này có thể chấm dứt hợp đồng, khiến người vợ /chồng cũ kia không được hưởng quyền lợi hưởng đền bù khi xảy ra rủi ro.
Ví dụ, trước đó, người vợ mua bảo hiểm nhân thọ, người chồng là người được bảo hiểm. Khi làm thủ tục ly hôn, người vợ có thể chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm cho chồng hoặc cho người khác đủ điều kiện theo quy định trở thành bên mua bảo hiểm của công ty bảo hiểm. Trong trường hợp này, người vợ nên liên hệ trực tiếp với nhân viên phụ trách hợp đồng bảo hiểm để được tư vấn rõ hơn về thủ tục chuyển nhượng.
Mặc dù tài sản chung hôn nhân thường được chia đều cho hai bên, nhưng tòa án sẽ xác định một bên vợ hoặc chồng phải trả tiền cấp dưỡng hàng tháng hoặc tiền cấp dưỡng nuôi con. Các khoản thanh toán này sẽ đảm bảo rằng con cái họ được chu cấp và người phụ thuộc được bồi thường thích đáng sau khi ly hôn. Do đó, theo luật sư Dương Thị Ngọc, nếu có nghĩa vụ cấp dưỡng hoặc cấp dưỡng nuôi con, người trả tiền cấp dưỡng nên duy trì hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và có thể chuyển người thụ hưởng là các con để đảm bảo vẫn được hỗ trợ tài chính trong trường hợp rủi ro. Cả người vợ và chồng cũ nên làm việc với luật sư của mình để quyết định số tiền của hợp đồng, ai sở hữu hợp đồng, ai tiếp tục trả phí bảo hiểm, ai là người thụ hưởng và số tiền của hợp đồng sẽ đến tay người thụ hưởng.
Minh Lâm
Nguồn: vnexpress.net