Pháp luật vẫn có “lỗ hổng”?
Theo luật sư Hà Huy Phong (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội), Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Inteco, bảo hiểm nhân thọ ra đời lần đầu tiên vào năm 1583 tại châu Âu, đã có lịch sử hàng trăm năm phát triển ở hầu khắp các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam xuất hiện những thiếu sót trong một số hoạt động kinh doanh làm ảnh hưởng tới uy tín, hình ảnh của các sản phẩm bảo hiểm này.
Về nguyên nhân dẫn tới những sự cố của thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam, theo ông Phong một nội dung quan trọng là hệ thống pháp luật vẫn có “lỗ hổng”, được thiết kế chưa đầy đủ, hiệu quả để bảo vệ người tiêu dùng và sự lành mạnh của thị trường.
Khi Thanh Niên đặt câu hỏi về các “lỗ hổng” chi tiết, Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Inteco phân tích: “Luật Các tổ chức tín dụng là văn bản quan trọng nhất điều chỉnh hoạt động của các tổ chức tín dụng ngân hàng không có quy định về kinh doanh theo hình thức liên kết đơn vị với doanh nghiệp bảo hiểm.
Cơ sở pháp lý duy nhất quy định về hình thức liên kết đơn vị giữa ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm là Thông tư 135/2012/TT-BTC. Tuy nhiên, thông tư này quy định hướng dẫn thi hành luật Kinh doanh bảo hiểm 2000, Nghị định số 45/2007/NĐ-CP và Nghị định 123/2011/NĐ-CP, là những văn bản đã hết hiệu lực. Theo đúng quy định của luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, Thông tư 135/2012/TT-BTC cũng phải hết hiệu lực.
“Vấn đề là khâu thực thi”
Không cho rằng luật pháp còn “lỗ hổng”, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, phân tích mấu chốt là ở chỗ pháp luật và sản phẩm bảo hiểm khá đặc thù, rất phức tạp ở cả thị trường trong nước và quốc tế.
Bản chất của bảo hiểm là chia sẻ rủi ro chứ không giống như gửi tiết kiệm chỉ để hưởng lãi hay tiêu dùng mua sắm các dịch vụ khác. Vì vậy, xảy ra rủi ro sẽ được hưởng bảo hiểm, không xảy ra rủi ro thì càng tốt hơn, cho dù không được hưởng bảo hiểm.
“Còn khoản đầu tư chỉ là giá trị gia tăng, chứ không phải là mục tiêu chính. Vì vậy, cả hai bên mua và bán đều cần phải có hiểu biết nhất định về sản phẩm bảo hiểm, nhất là bản chất của bảo hiểm. Trên thực tế vấn đề này còn bị hiểu sai khá nhiều”, ông Đức nói.
Theo một chuyên gia lâu năm trong ngành bảo hiểm, nhận định luật pháp còn nhiều “lỗ hổng” để các doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng lách luật chưa được chính xác. Trong quá trình làm luật, cụ thể như luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 có hiệu lực từ năm nay, các nhà làm luật khi xây dựng cũng đã căn cứ, tham khảo khá nhiều luật khác.
Vị này cho biết, tại tọa đàm do Báo Đại biểu nhân dân tổ chức hồi tháng 6, các chuyên gia, nhà quản lý tham dự tọa đàm đều có chung quan điểm những lùm xùm về bảo hiểm nhân thọ thời gian qua không phải do luật pháp mà nguyên nhân nằm ở khâu thực thi.
Điểm đặc biệt của luật là các điều khoản có hướng bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm được nhấn mạnh rất nhiều. Ví dụ, trong luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 có riêng điều khoản về loại trừ bảo hiểm. Với sản phẩm liên kết đầu tư, luật cũng có quy định doanh nghiệp có trách nhiệm ghi âm một số nội dung thực hiện trong quá trình tư vấn… Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ có hướng dẫn triển khai cụ thể hơn.
“Thật ra luật khá chặt, vấn đề người ta hay nói tới là khâu thực thi. Ví dụ, khách hàng đến ngân hàng, để vay được tiền, ngân hàng hướng người ta phải mua bảo hiểm nhưng trong tất cả hồ sơ mà doanh nghiệp bảo hiểm có, không thể hiện điều gì là khách hàng bị ép cả, vì giấy yêu cầu, tất cả thông tin khách hàng đều ký vào.
Sau này, khi xảy ra câu chuyện khách hàng nói bị ép mua bảo hiểm vì không mua thì không vay được tiền; những thứ đó gọi là lách trong thực tế giao tiếp, lách nghiệp vụ, lách thủ tục thực tế”, vị chuyên gia nói.
Giám sát kịp thời, xử lý nghiêm rất quan trọng
Bên cạnh pháp luật, trách nhiệm kiểm soát, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước cũng là khía cạnh nhận được nhiều sự quan tâm khi nhắc tới lùm xùm bảo hiểm thời gian qua.
“Hiện tượng tư vấn không đúng, cưỡng ép khách hàng mua bảo hiểm đã xuất hiện trên thị trường một thời gian. Việc một số tổ chức tín dụng yêu cầu khách hàng phải mua bảo hiểm mới được giải ngân, mới được ký hợp đồng vay vốn… đã được dư luận nói rất nhiều trên các mạng xã hội. Thế nhưng, về phía Ngân hàng Nhà nước, cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ động thái nào”, ông Phong bày tỏ quan điểm.
Vẫn theo luật sư này, để xảy ra các hiện tượng lùm xùm vừa qua có yếu tố thiếu trách nhiệm của cán bộ có thẩm quyền. Công tác quản lý lỏng lẻo, thiếu tính dự báo là những nguyên nhân cơ bản dẫn tới những sự cố vừa qua.
Khẳng định sau thanh tra, câu chuyện trước mắt là cơ quan quản lý nhà nước cần phải xử lý nghiêm các đơn vị có hành vi vi phạm, Giám đốc điều hành Công ty luật TNHH Inteco cho rằng, việc xử lý không chỉ để răn đe người vi phạm mà còn để cảnh tỉnh các đơn vị còn lại, trấn an tâm lý người tiêu dùng và giáo dục thị trường.
Cũng nhìn nhận trách nhiệm giám sát của cơ quan quản lý nhà nước rất quan trọng, song theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, về dài hạn, để hoạt động kinh doanh bảo hiểm diễn ra theo đúng mục tiêu, tính chất, lợi ích, đòi hỏi sự vận động, chuyển động của tất cả các bên, bao gồm cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội có liên quan, bản thân doanh nghiệp bảo hiểm cũng như đại lý bảo hiểm và cả sự tự ý thức của người mua bảo hiểm.
“Công tác giám sát là trách nhiệm của Nhà nước, tính kịp thời và xử lý nghiêm minh rất quan trọng. Bên cạnh đó, bản thân doanh nghiệp bảo hiểm cũng phải nâng cao hiệu quả công tác giám sát, nhất là giám sát đại lý tổ chức (các ngân hàng thương mại – PV), đào tạo nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn bảo hiểm của doanh nghiệp với đại lý bảo hiểm; chứ không chỉ trông chờ vào sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước và xã hội”, ông Hiếu nói.
Nguồn: thanhnien.vn