Cạn tiền dự trữ nên phải rút
Những ngày qua, tại TP.HCM ghi nhận thực trạng người lao động (NLĐ) tập trung đông tại nhiều trụ sở cơ quan (BHXH) để nộp hồ sơ hưởng chế độ BHXH một lần.
Người lao động đến làm hồ sơ, thủ tục tại BHXH Q.Bình Tân (TP.HCM) chiều 9.12 |
Xuân Khánh |
Giải thích lý do muốn hưởng BHXH một lần, chị N.N.P (45 tuổi, quê Cà Mau, nộp hồ sơ tại BHXH Q.Gò Vấp) cho hay, năm ngoái dịch Covid-19, chị mất việc nên cả gia đình chị phải sống phụ thuộc vào đồng lương ít ỏi của chồng. “Đến nay không cầm cự nổi nữa, tiền tiết kiệm cạn dần. Tôi cũng lớn tuổi, tìm việc phổ thông giờ khó khăn lắm. Nên chẳng đặng đừng, tôi mới rút BHXH để trang trải, mua sắm ít đồ cho con cái dịp tết tới”, chị P. nói.
Còn chị Phạm Thị Tình (34 tuổi, nộp hồ sơ tại BHXH Q.Bình Tân) cho biết đã rất đắn đo trước khi quyết định rút BHXH một lần. “Biết bây giờ rút BHXH một lần thì sau này về già không có lương hưu nên tôi đắn đo lắm, nhưng tôi không chắc rằng mình có theo đóng BHXH được tới tuổi lãnh lương hưu hay không. Vả lại, thấy tình hình kinh tế khó khăn quá, tôi quyết định rút ra, lấy một ít kinh doanh, số còn lại gửi ngân hàng”, chị Tình chia sẻ.
Nhiều bất lợi
Theo quy định, mức đóng BHXH bằng 22%, tức tương đương 2,64 tháng lương mỗi năm. Trong khi đó, nếu hưởng BHXH một lần, NLĐ chỉ nhận được số tiền BHXH một lần tương ứng 1,5 tháng lương cho những năm đóng trước năm 2014 và 2 tháng lương cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi – PV), thời gian đóng BHXH đã được tính hưởng BHXH một lần không được tính thời gian làm cơ sở tính hưởng các chế độ khác… Khi về già, NLĐ không có lương hưu hằng tháng. Song song đó, NLĐ cũng mất cơ hội được cấp thẻ BHYT miễn phí (với mức hưởng 95% chi phí khám chữa bệnh) trong suốt thời gian hưởng lương hưu để chăm sóc sức khỏe.
Theo ông Trần Đoàn Trung, Phó chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động TP.HCM, vì ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới, những tháng cuối năm 2022 ghi nhận nhiều biến động ở thị trường lao động – việc làm trong nước. Đặc biệt, tại TP.HCM, theo thống kê, đến nay đã có hơn 50.000 NLĐ, nhất là công nhân lao động ngành dệt may, giày da, chế biến gỗ…, bị ảnh hưởng, thu nhập bị giảm sâu. Chính điều này đã làm cho NLĐ ngày càng khó khăn. Bên cạnh đó, tết sắp tới, NLĐ cần tiền trang trải để sắm sửa cho gia đình nên rút BHXH một lần là lựa chọn chẳng đặng đừng.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng NLĐ cũng rất quan ngại chính sách BHXH có thể thay đổi trong thời gian tới khiến họ bị ảnh hưởng quyền lợi, nhất là những đề xuất, thảo luận về rút ngắn thời gian tính lương hưu để hưởng BHXH hay rút BHXH một lần chỉ 8% như dự thảo luật BHXH sửa đổi.
Cần có chính sách BHXH phù hợp để người lao động an tâm |
Xuân Khánh |
Khuyến cáo lâu dài
Phó giám đốc BHXH TP.HCM Trần Dũng Hà cho biết, thực tế, số lượng hồ sơ đề nghị nhận BHXH một lần tăng không đáng kể. Cụ thể, theo thống kê, có hơn 100.000 người nhận BHXH một lần năm 2019. Con số này tăng lên 114.000 người và giảm còn 110.000 người lần lượt vào năm 2020 và 2021. Từ tháng 1 – 11, có 99.615 người làm hồ sơ hưởng BHXH một lần, so với cùng kỳ tăng 460 người.
Để người lao động an tâm
PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Viện Social Life), cho hay theo một nghiên cứu của đơn vị, sau 20 năm phát triển sản xuất thiên về các ngành thâm dụng lao động, Việt Nam có một lượng nhân công lớn tuổi và gặp nhiều khó khăn khi thị trường ngày một tự động hóa và có nhiều lao động trẻ tuổi. Thế nên, thường xuất hiện tình trạng NLĐ qua 40 tuổi nghỉ việc, lãnh BHXH một lần để lấy vốn làm ăn, làm việc thời vụ.
Theo PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, NLĐ có thể đang cảm thấy bất an về quyền lợi của mình có được bảo vệ hay không. Chính vì vậy, điều quan trọng là các cơ quan liên quan trong ngành LĐ-TB-XH cần có những giải pháp tổng thể, chủ động để giúp NLĐ an tâm, tin tưởng vào hệ thống an sinh của nhà nước thay vì chỉ khuyến cáo đừng lãnh BHXH một lần. Ngoài ra, cần phải cho NLĐ thấy được bức tranh tổng thể về nghề nghiệp trong tương lai, cũng như tìm kiếm những giải pháp an sinh, việc làm bền vững hơn cho họ.
“Vì sao lượng hồ sơ tăng không đáng kể nhưng xảy ra tình trạng NLĐ xếp hàng, chờ đợi rất lâu để đến lượt?”, PV đặt câu hỏi. Về tình trạng này, ông Hà cho rằng, địa bàn đông lao động nhập cư thì sẽ xảy ra việc tập trung đông người rút BHXH một lần như báo chí phản ánh. Tuy nhiên, những cơ sở BHXH khác như tại Q.1, Q.3, Q.4… thì lượng hồ sơ không nhiều.
Theo quy định hiện nay, hệ thống dữ liệu của BHXH liên thông nên người dân có thể nộp hồ sơ tại bất cứ đơn vị BHXH trên cả nước mà không bị giới hạn bởi điều kiện cư trú. Tại TP.HCM, ngoài việc có thể nộp hồ sơ tại trụ sở của 22 cơ quan BHXH quận, huyện và TP.Thủ Đức, NLĐ cũng có thể gửi hồ sơ đến 46 điểm bưu cục trên địa bàn. Ngoài ra, NLĐ cũng có thể nộp hồ sơ trực tuyến, đặt lịch qua Cổng dịch vụ công.
“Tuy nhiên, có thể vì chưa nhiều NLĐ biết về thông tin này hoặc không phải ai cũng rành công nghệ nên họ lựa chọn nộp hồ sơ tại nơi cư trú. Điều này dẫn tới đông cục bộ”, ông Trần Dũng Hà phân tích và cho hay BHXH TP.HCM đã chỉ đạo BHXH các quận, huyện và TP.Thủ Đức niêm yết công khai địa chỉ 68 điểm tiếp nhận trên địa bàn để NLĐ có thêm nhiều kênh lựa chọn.
Phó giám đốc BHXH TP.HCM Trần Dũng Hà cũng khẳng định lý do nào của NLĐ khi rút BHXH một lần cũng đều là lý do chính đáng, nhất là khi họ khó khăn về tài chính, cần tiền xoay xở dịp tết này. Dẫu vậy, BHXH TP.HCM khuyến cáo NLĐ cân nhắc thật kỹ khi muốn rút BHXH một lần.
Phó chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động TP.HCM Trần Đoàn Trung cho rằng cơ quan BHXH cần đẩy mạnh thêm công tác chủ động tư vấn cho NLĐ khi họ đến cơ quan làm hồ sơ hưởng chế độ BHXH một lần, đặc biệt phân tích kỹ, rõ hơn những thiệt thòi về mặt lâu dài cho NLĐ.
Nguồn: thanhnien.vn