Như Thanh Niên đề cập, mặc dù chỉ mới thực hiện ở 4 doanh nghiệp bảo hiểm (BH), kết quả thanh tra cho thấy việc bán sản phẩm qua các ngân hàng (NH) đều có sai phạm. Theo thông tin mới nhất, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra 10 doanh nghiệp BH có bán sản phẩm qua NH trong thời gian tới.
Vài năm gần đây, việc người dân có nhu cầu vay vốn NH thường được chào mời kèm theo các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ (BHNT) để hồ sơ vay được nhanh hơn, thậm chí được ưu đãi lãi suất, trở nên phổ biến. Tuy nhiên, rất nhiều hợp đồng BHNT bị bỏ ngang chỉ sau năm đầu tiên. Theo kết quả thanh tra 4 công ty BH Prudential, MB Ageas Life, Sun Life và BIDV Metlife do Bộ Tài chính vừa công bố, tỷ lệ hủy hợp đồng ở mức khá cao, từ 32,4 – 73%.
Lý giải việc này, một bạn đọc (BĐ) cho biết do đang cần vốn và mong muốn thủ tục hồ sơ vay được nhanh chóng nên “nhắm mắt ký” hợp đồng BHNT, nhưng sau một thời gian thì “nhắm mắt bỏ luôn” vì “một phần không có nhu cầu, một phần gánh nặng từ số tiền phải đóng BHNT trong thời gian dài”.
Muộn cũng phải làm
Nhận xét về đợt quyết liệt thanh tra NH bán chéo BH, BĐ Nam Vo đặt câu hỏi: “Chuyện này xảy ra lâu rồi, giờ mới vào thanh tra có muộn lắm không?”. Theo phân tích của BĐ Nguyễn Hiếu Tròn, việc hơn 70% khách hàng vay vốn NH đã hủy hợp đồng BHNT sau năm đầu “cho thấy rất nhiều người tham gia mua BH mà không thật sự có nhu cầu”.
Trả lời câu hỏi của BĐ Nam Vo, BĐ Mr Giao nêu ý kiến: “Tuy việc thanh tra hơi muộn vì đã có quá nhiều người bị mất tiền “lãng xẹt” khi đi vay tiền lại bị ép mua BH, nhưng cũng rất hoan nghênh quyết định thanh tra của Bộ Tài chính, đã giải tỏa được sự uất ức bực bội của người đi vay”. Tán thành, BĐ Vũ Hải đề nghị: “Muộn cũng phải làm chứ, mà nên làm thật mạnh vào. Muộn thì muộn nhưng không được để trôi”.
Không chỉ dừng lại ở nội dung thanh tra việc NH bán chéo sản phẩm BH, nhiều BĐ còn đề nghị cần mở rộng mức độ giám sát câu chuyện này sang… lĩnh vực thuế. BĐ Hai Kiên đề xuất: “Ngành thuế hãy nhanh chóng vào cuộc vì một lượng đáng kể khách hàng đã hủy hợp đồng chỉ sau năm đầu tiên thì khoản tiền NH và BH thu về mà không phải tính toán chi phí bồi thường, quản lý… có được coi là khoản thu nhập bất thường?”. Từ góc độ này, BĐ D LAWYER cũng cho rằng: “Làm rõ các mối quan hệ làm ăn giữa NH với BH nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách hàng là cần thiết, cấp bách”.
Sao không cấm bán chéo?
Trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nhiều lần yêu cầu các tổ chức tín dụng có hoạt động đại lý BH phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về kinh doanh BH; tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động đại lý BH trên toàn hệ thống, xử lý nghiêm những trường hợp yêu cầu khách hàng phải mua các loại BH khi cấp tín dụng cho khách hàng. Tuy nhiên, nhiều BĐ cho rằng bên cạnh công tác thanh tra của Bộ Tài chính, rất cần NHNN tiếp tục lên tiếng và thanh tra “vì đây cũng là trách nhiệm của NHNN, việc này diễn ra đã nhiều năm”.
Tại sao cơ quan quản lý hệ thống NH nhiều lần lên tiếng “xử lý nghiêm việc yêu cầu khách hàng phải mua BH khi cho vay”, nhưng lại không ra quy định cấm luôn việc bán chéo BH? BĐ Apple Nguyen nhận xét: “Đừng nói là lãnh đạo các NH không biết về việc này. Giờ chỉ chờ đợi các cơ quan chức năng sẽ giải quyết tình trạng này như thế nào thôi”.
Tương tự, BĐ Minh Nghĩa băn khoăn: “Câu chuyện này cũng là bài học. Cảnh báo, nhắc nhở NH bán chéo BH đã có, nhưng tại sao hiệu quả chưa như ý? Mọi chính sách phải đi kèm với thanh tra kỹ, giám sát chặt, phạt thật nặng khi phát hiện sai phạm, mới mang đến hiệu quả thực sự. Tôi rất trông chờ kết quả đợt thanh tra này”.
Hoan nghênh quyết định của Bộ Tài chính, cần xóa bỏ việc bán chéo BH của các NH.
Tiệp Phạm
Thật mừng khi cơ quan quản lý tiến hành thanh tra lĩnh vực này. Việc ép bán BH khi người dân đang khó khăn cần vay NH đã xảy ra lâu rồi. Tôi khá bức xúc khi chứng kiến sự ép mua BH khi vay tiền này.
Huu Hoa
Muộn còn hơn không. Mong là thanh tra xong sẽ có phương án xử lý nhanh chóng, đảm bảo quyền lợi cho người dân.
N.C.G
Nguồn: thanhnien.vn