Chiều 24.8, đoàn giám sát của Ủy ban Xã hội của Quốc hội (QH) làm việc tại Sở Y tế TP.HCM về tình hình thực hiện chính sách pháp luật về Bảo hiểm xã hội giai đoạn 2016 – 2021, Bảo hiểm y tế giai đoạn 2019 – 2021 và việc thực hiện các biện pháp cấp bách về y tế, xã hội trong phòng chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết 30 năm 2021 của QH khóa XV.
Tại buổi giám sát, trong nhiều kiến nghị, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, kiến nghị Chính phủ sớm ban hành các nghị quyết hướng dẫn giải quyết khó khăn trong mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. QH sớm hoàn thiện chính sách, khung pháp lý trong công tác mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế nhằm mua sắm được hàng hóa có chất lượng với giá hợp lý thay cho việc mua được hàng hóa giá rẻ.
Đồng quan điểm, PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế, cho rằng muốn chất lượng thì phải thay đổi cơ chế, không thể nào đấu thầu thuốc là giá rẻ nhất.
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan nhìn nhận vấn đề tự chủ bệnh viện, giữ nguồn nhân lực, cung ứng thuốc, vật tư và trang thiết bị y tế, tất cả đều có vấn đề, nhưng đều liên quan cơ chế Bảo hiểm y tế (BHYT) và cần phải sửa đổi luật này.
Về Nghị quyết 30, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu đánh giá những tác động tích cực của nghị quyết đối với công tác phòng chống dịch Covid-19 tại TP.HCM. Tuy nhiên, ông kiến nghị, trong khi chờ hướng dẫn, kiến nghị khi thanh tra, kiểm tra công tác mua sắm, nhất là mua sắm phục vụ phòng, chống dịch cần được xem xét bối cảnh thực tế trong giai đoạn dịch bệnh và tinh thần Nghị quyết 30.
Về vấn đề này, ông Đặng Thuần Phong, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của QH cho rằng theo Nghị quyết 30 thì cơ chế đặc biệt, đặc thù và phải làm nhanh, thậm chí là chỉ đạo miệng hôm sau có thiết bị để sử dụng, nhưng tình hình kiểm tra, thanh tra thì nói không đúng thủ tục, trình tự trong đấu thầu, sai chỗ này, sai chỗ nọ và xử lý hàng loạt. Vấn đề này hiện có vướng gì thì mạnh dạn đề xuất. Vì theo Nghị quyết 30 làm vậy, nhưng làm rồi xử lý thì căn cứ vào các quy định cũ thì sai hết. Theo ông, thời điểm này ngành y đang “gặp đại nạn”.
Chia sẻ với “đại nạn” của ngành y, ĐBQH Phong Lan đề nghị trong hoạt động giám sát, Ủy ban Xã hội đề nghị Thường vụ QH và cũng có làm việc với những đơn vị kiểm toán, thanh tra. “3 chân kiềng của ngành y tế: điều trị, dự phòng và cung ứng tất cả đều đang tình trạng tan nát. Nếu không có những thay đổi từ cách nhìn nhận, cơ chế, chủ trương sẽ không kìm hãm được sự tan nát này”, bà Phong Lan nói.
Nguồn: thanhnien.vn