Mới đây, các bệnh viện (BV) “tá hỏa” khi nhận Công văn 1163 ký ngày 13.4.2020 của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam với nội dung trừ tiền thuốc trong phẫu thuật (PT) có gây tê năm 2019. Số tiền có thể lên đến hàng trăm triệu đồng đến hàng chục tỉ đồng.
Theo đó, BHXH Việt Nam tạm thời hướng dẫn thanh toán một số loại PT, trong đó có 311 loại PT (tại phụ lục 3 kèm theo Công văn 1163) mà trong cơ cấu giá có kết cấu thuốc, hóa chất, vật tư y tế sử dụng trong gây mê quy định tại Thông tư (TT) 39.2018, TT 13.2019 do Bộ Y tế ban hành sẽ bị trừ toàn bộ chi phí thuốc được kết cấu trong giá. BHXH các tỉnh phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) xác định và thanh toán phần chi phí các thuốc dùng trong PT theo thực tế sử dụng, nếu chưa xác định được thì tổng hợp quyết toán năm 2020.
Do Bộ Y tế chậm trễ?
Ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT), BHXH Việt Nam, cho biết việc thanh toán chi phí một số loại PT gặp vướng mắc do TT (37.2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29.10.2015 của liên bộ Y tế – Tài chính, được bộ Y tế sửa đổi bổ sung bằng các TT 15.2018, TT 39.2018, TT 13.2019) đều không quy định mức giá cụ thể cho các PT gây tê. Do đó, các PT sử dụng phương pháp vô cảm này được cơ sở KCB BHYT đề nghị thanh toán theo mức giá của PT sử dụng phương pháp gây mê.
Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 4.5, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính – Bộ Y tế, cho biết khung giá ban hành cho dịch vụ đã bao gồm cơ cấu giá PT xây dựng cho cả thuốc gây tê, hoặc gây mê nói chung. Tuy nhiên, BHXH lại yêu cầu thanh toán riêng cho gây tê hoặc gây mê. Điều này, hiện Bộ Y tế chưa làm được. Thực tế, một số PT có thể gây tê hoặc gây mê, phụ thuộc tình huống ca bệnh cụ thể. Việc bóc tách, xây dựng giá PT riêng có gây tê, gây mê hiện đang vướng. Tuy nhiên, Bộ Y tế sẽ sớm làm việc với BHXH Việt Nam để có hướng tháo gỡ, thanh toán phù hợp cho các BV.
|
Ông Phúc cho rằng việc áp chung mức thanh toán PT gây mê, gây tê không hợp lý, vì nếu sử dụng thuốc gây tê thì chi phí sẽ thấp hơn so với gây mê. PT gây mê chi phí thuốc cao hơn; đồng thời cần thêm các kỹ thuật khác, như: hỗ trợ thở, kỹ thuật viên… chênh lệch trung bình khoảng 500.000 đồng/ca.
Cũng theo ông Phúc, BHXH Việt Nam đã có nhiều văn bản kiến nghị Bộ Y tế xây dựng định mức và ban hành giá cụ thể cho các PT sử dụng phương pháp vô cảm gây tê nhưng đến nay chưa được Bộ Y tế điều chỉnh. Công văn 2797 ngày 1.8.2019 và gần đây nhất là Công văn 929 ngày 23.3 của BHXH Việt Nam đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn thanh toán chi phí của các PT sử dụng phương pháp vô cảm gây tê chưa có giá để BHXH có căn cứ thanh toán với cơ sở KCB nhưng đến nay chưa nhận được phản hồi của Bộ Y tế.
Ông Phúc cho rằng để đảm bảo tiến độ quyết toán chi phí KCB BHYT của năm 2019, tạm thời thực hiện thanh toán theo hướng dẫn tại Công văn 1163 của BHXH. Ông Phúc đề nghị Bộ Y tế cần sớm có văn bản xây dựng giá với các kỹ thuật sử dụng thuốc gây tê, để có cơ sở thanh toán cho các BV.
Các bệnh viện, sở y tế “phản pháo”
Trong khi đó, các sở y tế: Yên Bái, Thái Bình, Cao Bằng; các BV: T.Ư Huế, Chợ Rẫy, Việt Nam – Thụy Điển – Uông Bí (Quảng Ninh), Phụ sản Từ Dũ… sau khi nhận Công văn 1163 thì đều có công văn gửi Bộ Y tế hoặc BHXH tỉnh, BHXH Việt Nam bày tỏ sự lo lắng. Theo đó, trong tình hình dịch bệnh, thu nhập các BV giảm, lại còn bị “treo” tiền; nay lại trừ tiền thuốc PT có gây tê khiến các BV càng thêm khó khăn. Mặt khác, các sở y tế này cũng cho rằng, cơ quan BHXH cần thanh toán cho BV theo TT 39 và TT 13 của Bộ Y tế.
Theo lãnh đạo các sở y tế, các BV, phần lớn giá dịch vụ kỹ thuật tại 2 TT 38 và TT 13 không quy định dùng phương pháp vô cảm nào (gây mê hay gây tê). Trong thực tế, nhiều bệnh nhân phải sử dụng cả 2 phương pháp cho 1 lần thực hiện vô cảm, hoặc hướng dẫn chuyên môn chỉ cần gây tê nhưng thực tế phải sử dụng gây mê kèm theo. “Ngoài ra, hợp đồng KCB giữa BV và BHXH là do hai bên thống nhất phương thức thanh toán theo giá dịch vụ được quy định tại Nghị định 146 năm 2018 của Chính phủ. Đây là cơ sở để hai bên thực hiện đúng nội dung cam kết trong hợp đồng. Vì vậy, việc thống kê trừ chi phí gây mê là không đúng. Còn theo TT 39 và TT 13 của Bộ Y tế, giá của các PT đã bao gồm chi phí gây mê hoặc gây tê (trừ chuyên khoa mắt) nên không có cơ sở trừ chênh lệch chi phí gây mê, gây tê…”, BV Việt Nam – Thụy Điển – Uông Bí viện dẫn. Từ đó, BV này không đồng ý với nội dung Công văn 1163 của BHXH Việt Nam.
Đồng quan điểm, theo BV Chợ Rẫy, danh mục kỹ thuật kèm theo Công văn 1163 của BHXH Việt Nam có nhiều PT không thể nào thực hiện bằng gây tê, như: PT não, tim, mạch vành… nhưng BHXH vẫn đưa vào để thực hiện giám định giảm mức PT, “treo” lại số tiền lớn bất hợp lý và yêu cầu BV phải giải trình. BV Chợ Rẫy cũng đặt ra vấn đề thẩm quyền của BHXH Việt Nam về việc điều chỉnh giá mà Bộ Y tế ban hành.
Còn BV Phụ sản Từ Dũ TP.HCM cho biết năm 2019, qua giám định quý 4/2019 BHXH TP đề nghị chưa thanh toán chi phí gây tê cho BV hơn 78,8 tỉ đồng. Mới đây, ngày 23.4, BV nhận được công văn từ BHXH TP đề nghị thống nhất giám định chi phí PT gây tê không thanh toán là hơn 22 tỉ đồng.
Bộ Y tế nói gì?
Trước đó, ngày 31.10.2019, sau khi nhận Công văn 2797 của BHXH Việt Nam về việc xây dựng định mức và ban hành giá cụ thể cho các PT sử dụng phương pháp vô cảm gây tê, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng đã có công văn phúc đáp. Theo đó, Bộ Y tế đã ban hành TT 39.2018 quy định thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT giữa các BV cùng hạng trong toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí KCB BHYT trong một số trường hợp, trong đó quy định “giá PT đã bao gồm chi phí gây mê hoặc gây tê”.
Theo Bộ Y tế, phần lớn mức giá quy định tại TT 39 không quy định dùng phương pháp nào nên không có căn cứ để tách riêng chi phí gây mê nếu cơ sở y tế sử dụng phương pháp gây tê (trừ một số dịch vụ đã quy định cụ thể phương pháp thực hiện). Bên cạnh đó, do đây là giá đã được cấp có thẩm quyền ban hành theo đúng quy định của pháp luật nên việc đề xuất bóc tách chi phí gây mê, gây tê để giảm trừ thanh toán cho cơ sở KCB là hành vi trái luật và không được phép thực hiện…
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ đang trong quá trình khảo sát để điều chỉnh lại định mức kinh tế kỹ thuật của giá dịch vụ KCB BHYT, trong đó gồm dịch vụ PT. Trong giai đoạn chưa điều chỉnh được, đề nghị BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH các cấp tiếp tục thực hiện việc thanh toán chi phí KCB BHYT cho cơ sở KCB theo đúng mức giá đã quy định.
Nguồn: thanhnien.vn