Sáng 17-1, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2024.
Chi bảo hiểm y tế tăng đột biến
Theo ông Nguyễn Thế Mạnh – tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, năm 2023, tổng thu, chi các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế gần 912.000 tỉ đồng. Trong đó, tổng số thu các quỹ là hơn 472.000 tỉ đồng, chi các quỹ khoảng 439.000 tỉ đồng.
Người đứng đầu ngành bảo hiểm xã hội nêu số tiền chậm đóng chỉ còn chiếm 2,69% tổng số phải thu.
“Đây là tỉ lệ số tiền chậm đóng trên số phải thu thấp nhất từ năm 2016 trở lại đây, giảm từ 6% năm 2016 xuống còn 2,69%”, ông Mạnh cho hay.
Số người tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 93,3 triệu người, tăng 2,45% so với cùng kỳ 2022. Như vậy, trên 93% dân số được bảo vệ sức khỏe từ bảo hiểm y tế, vượt 0,15% so với nghị quyết 01 của Chính phủ.
Ngoài ra, tỉ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội đạt trên 39%, khoảng 18 triệu người. Trong đó, số tham gia tự nguyện gần 1,83 triệu người.
Theo ông Lê Văn Phúc – trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, năm 2022 chỉ có hơn 150 triệu lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thì đến năm 2023, con số này lên tới 175 triệu lượt (tăng 15%). Số chi bảo hiểm y tế cũng lên tới trên 123.000 tỉ đồng, tăng gần 20% so với năm 2022.
“Đây là vấn đề đánh dấu việc triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế rất tốt giữa Bảo hiểm xã hội, Bộ Y tế và các bộ ngành”, ông nói.
Ông Phúc nêu rõ năm 2023, việc thực hiện chính sách đạt nhiều thành tựu do ngành bảo hiểm xã hội và y tế đã chủ động phối hợp tham mưu các giải pháp căn cơ như Luật Khám bệnh, chữa bệnh, gia hạn giấy phép đăng ký thuốc, nghị định 75/2023 hỗ trợ nhiều nhóm được ngân sách hỗ trợ bảo hiểm y tế…
Cũng trong năm 2023, người dân có thể sử dụng VssID, VNeID để khám chữa bệnh, tạo thuận tiện cho bà con hơn khi khám chữa bệnh.
Hà Nội: Tăng số chi bảo hiểm y tế trái tuyến
Theo bà Vũ Thu Hà – phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, năm 2023 thành phố có nhiều giải pháp giảm chi phí y tế và giảm ngày điều trị, song số lượt khám chữa bệnh trái tuyến tăng tới 50,3% số chi bảo hiểm y tế cho bệnh nhân ngoại tỉnh. Năm qua, thành phố chi cho 12,6 triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, với số tiền trên 22.000 tỉ đồng.
Như vậy, số chi bảo hiểm y tế của Hà Nội tăng cao, ảnh hưởng đến các tuyến y tế đã được thiết lập từ trước cũng như chất lượng khám chữa bệnh.
Do đó, bà Hà đề nghị đánh giá chính sách thông tuyến khám chữa bệnh đối với tuyến huyện, tuyến tỉnh để sửa đổi phù hợp. Trong đó, cần tập trung nâng cao chất lượng y tế tuyến cơ sở và thực hiện đánh giá các mô hình triển khai ở các địa phương đảm bảo hiệu quả.
Ví dụ, Hà Nội thí điểm mô hình liên kết và hỗ trợ giữa các bệnh viện ở trung tâm và các bệnh viện ở các khu vực, địa phương. Đơn cử như mô hình của Bệnh viện Xanh Pôn hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa Ba Vì. Qua đó, người dân tin tưởng, tiếp cận y tế từ cơ sở, giảm chi phí chi của quỹ bảo hiểm xã hội…
Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đề nghị cơ quan chức năng sớm thanh toán số chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vượt tổng mức từ 2019 – 2022 cho Hà Nội và các năm tiếp theo, cũng như hỗ trợ thành phố triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử trong quý 1-2024.
Chính phủ xem xét ban hành nghị định hướng dẫn xử lý và theo dõi nợ của các đơn vị ngừng, dừng giao dịch, giải thể, phá sản, mất tích, người sử dụng lao động bỏ trốn.
Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội sớm nghiên cứu thay thế phương thức thanh toán theo phí dịch vụ bằng thanh toán theo chẩn đoán bệnh.
Nguồn: tuoitre.vn