Theo thông tin mới nhất từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tính đến tháng 3, tổng tài sản toàn ngành bảo hiểm nhân thọ ước đạt 801.307 tỉ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng số tiền đầu tư ước đạt 703.031 tỉ đồng, tăng 8,7%; tổng dự phòng nghiệp vụ đạt 581.857 tỉ đồng, tăng 6,5%; vốn chủ sở hữu đạt 159.409 tỉ đồng, tăng 10,8%. Đáng chú ý, tổng chi trả quyền lợi bảo hiểm trong quý 1/2024 đạt 15.483 tỉ đồng, tăng 35%.
Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 được Quốc hội thông qua ngày 16.6.2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2023; các văn bản nghị định, thông tư hướng dẫn cũng đã được hoàn thiện đồng bộ để tạo cơ sở cho thị trường bảo hiểm Việt Nam minh bạch.
Đề cập tới những quy định mới trong kinh doanh bảo hiểm, chia sẻ với Thanh Niên, ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, dẫn ví dụ: các doanh nghiệp phải đưa lên trang web các công cụ để khách hàng có thể vào tự xây dựng kế hoạch tài chính, kế hoạch bảo hiểm.
Cạnh đó, doanh nghiệp phải chỉnh sửa bản tài liệu minh họa bán hàng làm sao cho quyền lợi và những vấn đề cơ bản nhất phải thể hiện rõ ràng, công khai, minh bạch.
Doanh nghiệp bảo hiểm cũng phải áp dụng bảng tóm tắt hợp đồng bảo hiểm ngắn gọn với những nội dung cụ thể để khách hàng có thể tiếp cận với sản phẩm bảo hiểm một cách đơn giản hơn.
“Các kênh phân phối cũng có những quy định mới. Ví dụ, với kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng, sẽ có quy định về quầy giao dịch riêng, quy định về tiêu chuẩn của ngân hàng được bán bảo hiểm, quy định quy trình nghiệp vụ về công nghệ thông tin áp dụng cho chuyện bán bảo hiểm qua ngân hàng…
Ngoài ra, từ ngày 1.7 tới, tất cả đại lý tư vấn bảo hiểm phải ghi âm một số nội dung trong quá trình tư vấn và phát hành bảo hiểm. Doanh nghiệp có trách nhiệm lưu trữ bằng chứng ghi âm trong vòng 5 năm”, ông Dũng nói.
Cần đưa ra quy định về tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm năm đầu
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, 2024 vẫn là năm tương đối khó khăn với ngành bảo hiểm nhân thọ. Doanh nghiệp phải đầu tư nhiều nguồn lực để tập trung đáp ứng các quy định chặt chẽ của Nhà nước.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), cho rằng bên cạnh việc chú trọng khôi phục niềm tin cho khách hàng, giai đoạn này, khẳng định niềm tin với cơ quan quản lý nhà nước rất quan trọng với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, tránh tình trạng “một người đau bụng bắt cả làng uống thuốc”.
Riêng với kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng, trao đổi với Thanh Niên, không ít chuyên gia kinh tế nêu quan điểm, cần thiết đưa quy định về tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm năm đầu vào trong hợp đồng giữa ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm.
Ví dụ, ngân hàng phải đảm bảo duy trì tỷ lệ bảo hiểm hợp đồng năm đầu ở mức trung bình của thị trường hay ở mức nào đó. Trường hợp ngân hàng bán bảo hiểm, tỷ lệ duy trì hợp đồng năm đầu tiên quá thấp, phải có quy định có thể tạm dừng. Khi nào ngân hàng khôi phục được chuyện đó mới được tiếp tục bán bảo hiểm.
Trách nhiệm giải quyết vấn đề này thuộc cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước.
Nguồn: thanhnien.vn