Những nỗ lực này không chỉ thúc đẩy tăng trưởng ổn định mà còn góp phần định hình ngành bảo hiểm nhân thọ ngày càng minh bạch, chuyên nghiệp và lấy khách hàng làm trung tâm.

Thị trường bảo hiểm nhân thọ 6 tháng đầu năm ghi nhận những tín hiệu lạc quan cho sự hồi phục về niềm tin và tăng trưởng ổn định của toàn ngành
Đồng loạt triển khai sản phẩm mới
Toàn ngành bảo hiểm đang bước vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ nhằm đáp ứng quy định mới tại Nghị định 46/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Kinh doanh bảo hiểm và Thông tư 67/2023/TT-BTC hướng dẫn một số điều của luật Kinh doanh bảo hiểm. Theo đó, từ 1.7, các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư chỉ được tích hợp quyền lợi tử vong và thương tật toàn bộ vĩnh viễn, các quyền lợi bổ sung như bệnh hiểm nghèo, tai nạn, viện phí sẽ được tách riêng, giúp khách hàng dễ dàng lựa chọn và bảo vệ quyền lợi tốt hơn.
Đáp ứng yêu cầu mới này, ngay từ đầu năm, các công ty bảo hiểm nhân thọ đã chủ động điều chỉnh danh mục sản phẩm của mình để thích nghi với quy định mới và nhu cầu của thị trường. Tính đến nay, hầu hết các công ty đều đã có ít nhất một sản phẩm mới lên kệ đáp ứng tuân thủ các quy định mới của luật Kinh doanh bảo hiểm và gia tăng lợi ích cho khách hàng.
Ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam chia sẻ: “Việc điều chỉnh theo Nghị định 46 là bước tái cấu trúc quan trọng của toàn ngành nhằm tăng cường tính minh bạch và bảo vệ quyền lợi người tham gia bảo hiểm, đồng thời phân tách rõ ràng giữa các loại sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và đầu tư tài chính. Với thay đổi này, các doanh nghiệp bảo hiểm đã và đang tích cực triển khai các danh mục sản phẩm mới hướng tới sự tinh gọn, minh bạch, dễ hiểu và cung cấp sự bảo vệ thiết thực hơn cho khách hàng. Việc tách riêng quyền lợi rủi ro theo từng sản phẩm cụ thể sẽ giúp người mua bảo hiểm chủ động lựa chọn quyền lợi theo nhu cầu, đồng thời giảm thiểu các tranh chấp về sau”.
Cũng theo ông Dũng, với các hợp đồng bảo hiểm đã được phát hành và còn hiệu lực trước thời điểm 1.7, quyền lợi của khách hàng sẽ hoàn toàn không bị ảnh hưởng và vẫn được các công ty bảo hiểm đảm bảo tất cả các quyền và lợi ích như đã cam kết ban đầu. Các sản phẩm bảo hiểm bổ trợ tái tục hàng năm vẫn được phép gia hạn theo quy định nhằm mang lại sự bảo vệ bền vững cho khách hàng.
Theo số liệu ước tính từ các doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 67.242 tỉ đồng, trong đó phí khai thác mới đạt 11.728 tỉ đồng. Số lượng hợp đồng hiệu lực đạt hơn 11,7 triệu, tăng 1,06% so với cùng kỳ. Tổng tài sản toàn ngành đạt 910.829 tỉ đồng, tăng 10,74%, với 787.000 tỉ đồng được đầu tư trở lại nền kinh tế, tăng 10,25%. Vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ của các doanh nghiệp đều ghi nhận mức tăng trưởng ổn định lần lượt 5,33% và 1,32%
Cũng trong thời gian này, chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 27.468 tỉ đồng, tăng thêm gần 4,4% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy vai trò quan trọng của bảo hiểm nhân thọ trong việc cung cấp sự hỗ trợ kịp thời, giảm thiểu gánh nặng tài chính cho khách hàng trước những rủi ro và biến cố trong cuộc sống.
Ông Ngô Trung Dũng đánh giá: Những con số tích cực này không chỉ phản ánh nỗ lực tái cấu trúc và thích nghi của các doanh nghiệp, mà còn là tín hiệu lạc quan cho sự hồi phục về niềm tin và tăng trưởng ổn định của toàn ngành trong giai đoạn hiện nay khi đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ. Việc hoàn thiện pháp lý đối với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ như tái cấu trúc sản phẩm từ 1.7 với nhiều quyền lợi hướng về lợi ích của người tham gia hoặc trước đó bắt buộc ghi âm tư vấn khi bán sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư… giúp củng cố niềm tin của người dân đối với ngành bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ.

Các doanh nghiệp tiếp tục ứng dụng công nghệ để nâng cao trải nghiệm khách hàng
Nâng cao chất lượng tư vấn, đẩy mạnh số hóa, đầu tư vào cộng đồng
Ngoài đổi mới danh mục sản phẩm, sự khởi sắc của thị trường bảo hiểm nhân thọ nửa đầu năm 2025 còn đến từ việc các doanh nghiệp tiếp tục ứng dụng công nghệ để nâng cao trải nghiệm khách hàng, tăng cường đào tạo tư vấn viên, nâng cấp, mở rộng mạng lưới văn phòng.
Trong mảng công nghệ, các doanh nghiệp đều tăng cường đầu tư, áp dụng các giải pháp AI, OCR, chatbot, điện toán đám mây… để gia tăng tương tác với khách hàng, rút ngắn thời gian xử lý yêu cầu bồi thường. Đơn cử, AIA Việt Nam với ứng dụng AI trong thẩm định bồi thường, giúp việc thẩm định đảm bảo chính xác, nhanh chóng; Bảo Việt Nhân thọ với nền tảng MyBVLife hỗ trợ khách hàng tra cứu và thực hiện giao dịch liên quan đến hợp đồng; Dai-ichi Life với nền tảng bảo hiểm trực tuyến Dai-ichi ON giúp khách hàng chủ động lựa chọn giải pháp bảo hiểm trực tuyến phù hợp chỉ với vài thao tác đơn giản…
Nhằm mở ra cơ hội nghề nghiệp cho ngành bảo hiểm đồng thời phục vụ khách hàng tốt hơn, các doanh nghiệp cũng đã liên tục mở rộng hệ thống các văn phòng đại lý. Cụ thể, FWD Việt Nam đã chính thức khai trương 4 văn phòng tổng đại lý tại TP.HCM, Hà Nội, Thanh Hóa và Nghệ An trong 6 tháng đầu năm, trong khi Chubb tiếp tục mở rộng văn phòng đối tác kinh doanh Infinity.
Việc tăng cường kiểm soát chất lượng các kênh phân phối và nâng cao các chương trình đào tạo tư vấn viên cũng được các doanh nghiệp chú trọng. Trong đó, Manulife Việt Nam cho biết đang triển khai chương trình hợp tác cùng Trường đại học Y Hà Nội và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam để đào tạo kiến thức thiết yếu về y khoa và sức khỏe cộng đồng cho đội ngũ đại lý.
Một điểm sáng nổi bật khác trong 6 tháng đầu năm là sự đầu tư mạnh mẽ của các công ty bảo hiểm cho các hoạt động cộng đồng, từ giáo dục, sức khỏe, môi trường đến hỗ trợ trẻ em và người yếu thế.
Các chương trình tiêu biểu như “Hành trình cuộc sống” của AIA, “Tăng cường sức khỏe chủ động”, “Cha-Ching” và “Đến trường an toàn” của Prudential; hoạt động hỗ trợ trẻ em khó khăn mắc bệnh tim từ sự kiện “FWD Đường chạy âm nhạc” của FWD; dự án “Bảo vệ trẻ em trong tình huống Khẩn cấp” của Generali, hoạt động hướng nghiệp “S-Career” của Shinhan Life, chương trình “Vì tương lai em” của Chubb hay chiến dịch “Sống Sạch – Sành – Xanh” của Manulife đều tạo được tác động tích cực và lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Nhiều doanh nghiệp như Bảo Việt Nhân thọ, Dai-ichi Life, Chubb Life, Hanwha Life… còn kết hợp hoạt động cộng đồng với bảo vệ môi trường, phát triển giáo dục vùng sâu, xây dựng sân chơi cho trẻ em và chăm lo an sinh vùng biên giới, hải đảo.
Việc thực hiện trách nhiệm xã hội song hành với hoạt động kinh doanh cho thấy ngành bảo hiểm từng bước khẳng định giá trị cốt lõi của mình: không chỉ bảo vệ tài chính, mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển con người và kiến tạo một xã hội công bằng hơn.
Ông Ngô Trung Dũng nhấn mạnh: “Việc thích ứng nhanh với chính sách, chủ động đổi mới sản phẩm, đầu tư công nghệ và triển khai các hoạt động cộng đồng quy mô không chỉ giúp củng cố niềm tin người tiêu dùng, mà còn góp phần định vị bảo hiểm nhân thọ như một trụ cột vững chắc trong chiến lược tài chính của mỗi gia đình Việt”.
Nguồn: thanhnien.vn