Dự thảo luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi vừa được Bộ LĐ-TB-XH đưa ra lấy ý kiến. Với dự thảo này, người lao động (NLĐ) quan tâm tranh luận về 2 đề xuất mới:
Thứ nhất, đề xuất sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm.
Thứ hai, đề xuất thêm phương án rút BHXH 1 lần tối đa không quá 50% mức hưởng, số còn lại được bảo lưu để NLĐ hưởng lương hưu.
Không nên “cào bằng” tuổi hưu
Liên quan đến các đề xuất này, PV Thanh Niên ghi nhận nhiều quan điểm của NLĐ.
Anh T.H (35 tuổi, công nhân tại một xưởng máy tại Q.7, TP.HCM) cho rằng cơ quan chức năng phải thẳng thắn nhìn nhận điều NLĐ quan tâm nhất: điều chỉnh giảm số tuổi được nhận lương hưu hoặc linh hoạt nhận lương hưu. Còn việc giảm số năm đóng BHXH là đúng nhưng chưa quan trọng bằng và điều này chỉ ưu việt với người tham gia BHXH muộn.
“Tôi tham gia BHXH được 10 năm, tới 50 tuổi là tôi tham gia BHXH được 25 năm. Nhưng tôi cần đợi 10 năm nữa mới được lãnh lương hưu. Trong khi đó, không biết sức khỏe mình ở tuổi 50 thế nào, chứ nhóm lao động trực tiếp sản xuất như chúng tôi thì cỡ 45 tuổi là sức khỏe giảm nhiều lắm, không như những người làm bộ phận gián tiếp như hành chính, cơ quan nhà nước… Tôi nghĩ không nên cào bằng tuổi nghỉ hưu”, anh T.H nói.
Đồng quan điểm, chị Anh Đào (30 tuổi, công nhân may ở Q.12, TP.HCM) chia sẻ, lao động ngành may sau 35 tuổi có nguy cơ bị chấm dứt hợp đồng lao động rất cao. Tuổi nghỉ hưu quá dài trong khi tuổi lao động lại ngắn và nhiều khả năng mất việc khi sau 35 tuổi.
“Trong khi đó, hiện nay không có pháp lý hay cơ chế nào đảm bảo rằng NLĐ không bị mất việc hoặc có thể tìm việc được sau 35 tuổi cả. Nếu không khéo, càng giảm thời gian đóng thì càng trẻ hóa đối tượng rút BHXH 1 lần”, chị Đào nêu ý kiến.
Ngoài ra, nhiều NLĐ cũng cho rằng cần có cơ chế linh hoạt thời gian đóng và hưởng lương hưu.
Cụ thể, nên có quy định giải quyết chế độ nghỉ hưu trước tuổi hoặc NLĐ nếu đã tới tuổi hưu mà chưa đủ số năm đóng BHXH thì có thể yêu cầu đóng trước cho đủ số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu.
Tranh cãi rút BHXH 1 lần
Vấn đề rút BHXH 1 lần hay không, là chủ đề được NLĐ thảo luận thường xuyên trên các diễn đàn.
Như anh Phạm Thiều (NLĐ tại Khu chế xuất Tân Thuận, Q.7) thì cho rằng không nên. Anh dẫn chứng một người quen nhất định rút BHXH 1 lần được 170 triệu đồng, nhưng khi lãnh xong thì số tiền bị tiêu sạch nhanh chóng cho trả nợ, mua sắm đồ dùng…
“Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống. Tôi nhìn gia đình mình và những người xung quanh, thấy ai có lương hưu đều sống thanh thản, không phụ thuộc vào con cái”, anh Thiều chia sẻ.
Tuy nhiên, với nhiều NLĐ, rút BHXH 1 lần hay không là tùy hoàn cảnh kinh tế, công việc, tuổi tác, sức khỏe … của mỗi người. Thế nên, chính sách cần tiếp cận theo hướng để NLĐ tự quyết định, chủ động với nhu cầu và hoàn cảnh của họ.
Song song đó nên tuyên truyền để nhiều NLĐ thấy được tầm quan trọng của BHXH chứ không chỉ mãi khuyên can hay ngăn cản NLĐ đừng rút.
Ngoài ra, với phương án rút BHXH 1 lần sẽ bị giữ lại 50%, các cơ quan soạn thảo cần nêu rõ mục đích, phương thức cụ thể sử dụng phần quỹ còn lại cũng như quyền lợi của NLĐ.
Hãy nhìn vào bức tranh thị trường lao động hiện nay
Ông Lê Văn Thành, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu văn hóa – xã hội (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM) cho rằng, những chính sách mới liên quan BHXH để “hấp dẫn” NLĐ hơn cần được triển khai đồng bộ và nó phải được đặt trong bối cảnh tổng thể của thị trường lao động.
“Đừng nói lao động sau 35 tuổi mà mình vẫn còn một tỷ lệ lớn thanh niên thất nghiệp. Trong khi đó, khá ít người làm một công việc từ đầu đến khi nghỉ hưu, trừ một số NLĐ khối nhân viên hành chính, cán bộ nhà nước”, ông Thành nói.
Ông Thành cũng khẳng định số năm đóng BHXH không quan trọng bằng tuổi mà NLĐ nghỉ việc, vì NLĐ muốn giảm số năm hưởng lương hưu xuống để nghỉ sớm.
Về rút BHXH 1 lần, ông Thành cho rằng, qua những khảo sát cho thấy lao động trên 40 tuổi thường rút BHXH 1 lần vì muốn giải quyết khó khăn gia đình hoặc chuyển hướng nghề nghiệp.
Thế nên phương án đề xuất giữ lại 50% cần tính toán liệu có giải quyết được mục tiêu trước mắt (cần tiền, vốn liếng cho cá nhân và gia đình…) và mục tiêu lâu dài (tiền lương hưu đủ trang trải) của NLĐ hay không.
Ví dụ, nếu một NLĐ rút BHXH 1 lần được 200 triệu đồng và họ tính dùng số tiền này để làm ăn, nhưng bây giờ chỉ được rút 50% là 100 triệu thì nó có đảm bảo cho kế hoạch của họ?
“Đồng thời, nếu chờ thêm 20 năm nữa để hưởng lương hưu, thì số tiền hưởng lương hưu (mà hiện nay tối đa chỉ 75% lương hằng tháng), liệu có đủ để họ sống? Số tiền bảo lưu lại có được sinh lời?”, ông Thành đặt vấn đề.
Từ đó, theo ông Thành, các cơ quan soạn thảo cần xem xét cẩn thận những động lực và hạn chế của NLĐ hiện nay, có thể linh hoạt các phương án lựa chọn. Nhưng điều quan trọng hơn vẫn là cần cơ chế về cơ hội việc làm, tiền lương tương xứng để khuyến khích NLĐ ở lại thị trường lao động.
Đảm bảo việc làm, thu nhập mới là vấn đề đáng lưu tâm
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM, cho biết nếu giảm số năm đóng BHXH xuống còn 15 năm thì giúp tăng tỷ lệ người đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Tuy nhiên cũng có thể hạn chế quyền lợi của một bộ phận NLĐ, nhất là NLĐ có thời gian đóng BHXH từ 15 năm đến dưới 20 năm và họ đang muốn hưởng BHXH 1 lần.
Vì vậy, nếu lựa chọn phương án này thì cần điều chỉnh tăng mức hưởng lương hưu cho NLĐ.
Với đề xuất rút BHXH 1 lần tối đa 50%, ở hướng tích cực, có thể thấy rằng sẽ đảm bảo an sinh xã hội và cân bằng quỹ BHXH.
Tuy nhiên, qua nắm bắt ý kiến của NLĐ cho thấy thay đổi này có thể gây hạn chế sự chủ động, tự quyết của NLĐ. Điều này có thể làm NLĐ lo sợ và vô tình tạo nên làn sóng rút BHXH 1 lần.
Bà Trần Thị Diệu Thúy cho hay, tình hình thị trường lao động hiện đang có nhiều biến động, nhiều doanh nghiệp khó khăn vì thiếu đơn hàng, điều này khiến thu nhập, lương của NLĐ bị ảnh hưởng, dẫn đến tâm lý rút BHXH 1 lần.
Điều này cũng là áp lực lên hệ thống an sinh xã hội. Vì vậy, đảm bảo về việc làm và thu nhập mới là vấn đề đáng lưu tâm nhất.
Trong khi đó, tình trạng nợ đọng BHXH vẫn còn kéo dài, công tác thanh – kiểm tra vẫn chưa hiệu quả, các cơ quan chức năng cũng cần tập trung chấn chỉnh, giải quyết tình trạng này trong tương lai.
Dẫn chứng một số chính sách về lao động việc làm ở một số nước có dân số già như Nhật Bản, Hàn Quốc, bà Thúy cho rằng nếu tăng tuổi hưu hoặc muốn giảm tỷ lệ rút BHXH 1 lần thì phải điều chỉnh tăng mức hưởng lương hưu và tạo điều kiện cho NLĐ cao tuổi có thị trường việc làm phù hợp.
“Ngoài ra, điều quan trọng là cần có giải pháp để BHXH 1 lần không phải là lựa chọn đầu tiên và duy nhất khi NLĐ mất việc”, bà Thúy cho biết.
Nguồn: thanhnien.vn