Trả lời:
Một số trường hợp phụ nữ không may sảy thai cần người thân ở bên chăm sóc, đặc biệt là chồng trong giai đoạn này khiến công việc và nhiều hoạt động khác bị gián đoạn. Không ít người nhầm lẫn việc nghỉ chế độ thai sản của chồng khi vợ sinh đẻ giống với việc vợ mang bầu hay sảy thai.
Đối với trường hợp này, tại khoản 1 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định duy nhất trường hợp lao động nam được hưởng chế độ thai sản là khi đang đóng bảo hiểm xã hội nhưng có vợ sinh con. Thời gian lao động nam được nghỉ hưởng chế độ chế thai sản khi vợ sinh con được xác định cụ thể theo khoản 2 Điều 34 luật này như sau:
– Vợ sinh đôi trở lên phải phẫu thuật được nghỉ 14 ngày làm việc.
– Vợ sinh đôi được nghỉ 10 ngày làm việc; sinh ba trở lên, cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc.
– Vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi được nghỉ 10 ngày.
Vợ sinh 1 con, sinh thường được nghỉ 5 ngày làm việc.
Do đó, lao động nam đang đóng bảo hiểm chỉ được nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm khi vợ sinh con. Trường hợp vợ bị sảy thai, người chồng mặc dù có tham gia bảo hiểm xã hội nhưng cũng không được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
Theo đó, chồng có thể xin nghỉ việc theo chế độ nghỉ phép năm, nghỉ không lương. Nếu làm đủ năm, lao động nam sẽ được giải quyết nghỉ tối đa 12 ngày làm việc đối với công việc trong điều kiện bình thường; 14 ngày đối với người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; 16 ngày với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Trong trường hợp xin nghỉ không lương, pháp luật không giới hạn cụ thể thời gian nghỉ tối đa nên các bên có thể tự thỏa thuận với nhau. Tuy nhiên, do đây là trường hợp nghỉ không lương nên người lao động sẽ không có thu nhập trong thời gian nghỉ. Đặc biệt, nếu nghỉ không lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, tháng đó người lao động sẽ không được đóng bảo hiểm xã hội.
Thu Trang
Nguồn: vnexpress.net