Tiến tới giảm thời gian đóng BHXH xuống 10 năm
Chiều 2.11, Quốc hội tiến hành thảo luận tổ về luật BHXH sửa đổi vừa được Chính phủ trình ngay đầu giờ chiều cùng ngày.
Nêu ý kiến thảo luận tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói ông là người được phân công chuẩn bị 2 đề án về cải cách tiền lương và cải cách chính sách BHXH trình T.Ư để ban hành Nghị quyết 27 và Nghị quyết 28 của T.Ư Đảng liên quan 2 vấn đề này, nên có điều kiện để “đi tương đối sâu” về vấn đề này.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Nghị quyết 28 về cải cách chính sách BHXH đang được thể chế trong luật BHXH sửa đổi lần này có những thay đổi mang tính cách mạng, như việc bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây là một tầng mới để hình thành hệ thống BHXH đa tầng theo định hướng tại Nghị quyết 28. Tuy nhiên, ông lưu ý, trợ cấp hưu trí do ngân sách nhà nước chi trả.
Dự thảo luật quy định, người từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng và trợ cấp xã hội hằng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Một điểm “cách mạng” khác, theo Chủ tịch Quốc hội, là giảm thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống còn 15 năm tại dự thảo luật trình lần này và tiến tới là 10 năm.
“Có ý kiến nói mâu thuẫn khi tuổi hưu tăng nhưng thời gian đóng BHXH lại giảm. Nhưng xu hướng là tiền lương, thu nhập sẽ tăng lên. Vì vậy, số năm đóng giảm xuống nhưng tiền đóng thì nhiều lên. Các nước phát triển đóng thời gian ngắn là vì thế. Tiền lương lớn, nên mức đóng rất lớn, mức hưởng cũng được chứ không như ta”, Chủ tịch Quốc hội phân tích, và cho biết, sắp tới cùng với cải cách tiền lương khu vực công cũng phải cải cách tiền lương khu vực tư để tiền lương tăng lên.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, cách tính để đóng BHXH cũng khác. Tổ chức quản lý Quỹ BHXH cũng sẽ thay đổi… “Có những thay đổi có tính chất cách mạng”, Chủ tịch Quốc hội nêu.
Phương án rút BHXH một lần là vấn đề khó nhất
Đề cập chính sách rút BHXH một lần sẽ được sửa đổi tại dự thảo luật lần này, Chủ tịch Quốc hội cho biết, vấn đề rút BHXH một lần là vấn đề người lao động quan tâm nhất, thiết kế phương án rút BHXH cũng là vấn đề khó nhất.
Theo Chủ tịch Quốc hội, dự thảo luật lần này đã sửa theo hướng giảm thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm và tiến tới là 10 năm. Đây là quy định góp phần giữ người đóng BHXH ở lại trong hệ thống, hạn chế việc rút BHXH một lần.
“Thời gian đóng là 20 năm người ta thấy xa xôi quá, 15 năm còn thấy có tương lai, 10 năm thì càng có điều kiện để đóng”, Chủ tịch Quốc hội cho hay.
Chủ tịch Quốc hội cũng chia sẻ, khi làm việc với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), cơ quan này cho biết hầu như trên thế giới không cho rút BHXH một lần như Việt Nam.
“Thực ra, các nước người ta có điều kiện, phát triển lâu rồi, thu nhập, đời sống ở mức độ cao, lưới an sinh đảm bảo nên có thể không cần thiết phải rút BHXH một lần. Tức là họ không có nhu cầu rút. Còn với nước ta thì khác”, Chủ tịch Quốc hội phân tích.
Theo Chủ tịch Quốc hội, nhu cầu rút BHXH một lần là có thật, vì nhiều người lao động có khó khăn trước mắt phải giải quyết. “Cuộc sống khó khăn nên người ta làm thế”, Chủ tịch Quốc hội nói, và cho rằng, “không thể cấm đoán được chuyện này”.
“Anh phải thiết kế chính sách thế nào để lưu người lao động lại trong hệ thống và hạn chế bớt việc rút BHXH một lần được thôi”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý; đồng thời cho rằng, trong thiết kế chính sách rút BHXH một lần cũng không nên phân biệt những người đóng BHXH trước và sau khi luật có hiệu lực vì có thể sẽ tác động tới tâm lý xã hội. “Quy định như thế có khi việc rút BHXH một lần lại tăng lên”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Với 2 phương án về rút BHXH một lần mà Chính phủ trình ra Quốc hội tại dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội nói, các phương án đều “có mặt nọ, có mặt kia”. Cũng có người nói chỉ một phương án thôi nhưng thiết kế cho phép người lao động có nhiều lựa chọn.
“Nhiều cách thức lắm, tôi không nêu cụ thể, nhưng hướng thế nào đó để người lao động thấy là nếu anh lưu lại trong hệ thống thì anh sẽ có nhiều hỗ trợ. Hoặc anh có thể rút một phần còn một phần lưu lại để anh có thể quay lại sau. Tức là thiết kế làm sao để người lao động có lựa chọn tốt nhất”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và đề nghị đại biểu cho thêm ý kiến về vấn đề này.
Nguồn: thanhnien.vn