Sẽ dừng viện trợ thuốc với gần 50.000 bệnh nhân HIV/AIDS
Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), từ năm 2020, Quỹ PEPFAR dừng viện trợ thuốc ARV cho 38.000 người nhiễm HIV; Quỹ toàn cầu Phòng chống HIV/AIDS tiếp tục viện trợ thuốc ARV điều trị cho trẻ em năm 2020 nhưng giảm viện trợ thuốc ARV điều trị cho người nhiễm HIV từ 51.000 người năm 2019 xuống còn 40.700 người vào cuối năm 2020.
Các trường hợp không tiếp tục được dự án quốc tế viện trợ thuốc ARV sẽ được chuyển giao sử dụng thuốc ARV nguồn Bảo hiểm y tế (BHYT).
Trước đó, ngày 31.7.2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số Quyết định số 1125/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu y tế dân số giai đoạn 2016-2020. Theo đó, từ năm 2019, thuốc kháng vi rút HIV (thuốc ARV) được cung cấp từ nguồn BHYT. Thuốc ARV từ nguồn ngân sách nhà nước được cung cấp cho các trường hợp chưa thanh toán được từ nguồn BHYT.
Ngày 26.10.2018, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 27/2018/TT-BYT hướng dẫn thực hiện BHYT và khám bệnh, chữa bệnh BHYT liên quan đến HIV/AIDS. Theo đó, đối với các trường hợp người bệnh đang điều trị thuốc ARV tại bệnh viện tuyến T.Ư, tuyến tỉnh thành phố nơi không phải cơ sở y tế đăng ký khám bệnh, chữa bệnh (KCB) BHYT ban đầu, được tiếp tục được điều trị tại các cơ sở này đến hết ngày 31.12.2019. Từ ngày 1.1.2020, để được điều trị thuốc ARV nguồn BHYT, người bệnh HIV/AIDS điều trị tại các bệnh viện này cần chuyển tuyến KCB BHYT theo quy định.
Trước ngày 31.12.2019, người nhiễm HIV đang điều trị thuốc ARV từ quỹ khám chữa bệnh BHYT tại các bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh không phải là cơ sở khám chữa bệnh BHYT ban đầu cần thực hiện thủ tục chuyển tuyến theo quy định. Tuy nhiên, đến nay một số bệnh viện tuyến tỉnh vẫn chưa thực hiện chuyển tuyến này.
Nhằm hỗ trợ người nhiễm HIV được điều trị liên tục thuốc ARV và dịch vụ điều trị HIV/AIDS khác từ nguồn BHYT, Cục Phòng chống HIV/AIDS đề nghị Sở Y tế các tỉnh/thành phố hướng dẫn các đơn vị liên quan thực hiện về chuyển tuyến, trong đó, các bệnh viện tuyến tỉnh và các cơ sở khám chữa bệnh HIV/AIDS trên địa bàn thực hiện chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT cho người nhiễm HIV đang điều trị tại bệnh viện trước ngày 31.12.2019. Cơ quan đầu mối phòng, chống HIV/AIDS tuyến tỉnh/thành phố thực hiện giám sát, hỗ trợ kỹ thuật và báo cáo kết quả chuyển tuyến của các cơ sở khám chữa bệnh HIV/AIDS trên địa bàn về Sở Y tế và Cục Phòng chống HIV/AIDS trước ngày 10.2.2020.
Cơ sở thực hiện chuyển tuyến là các bệnh viện tuyến T.Ư, tuyến tỉnh điều trị cho người nhiễm HIV.
|
Chuyển tuyến đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân HIV/AIDS
Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết, trong năm 2020, có một số bệnh viện tuyến T.Ư, tuyến tỉnh vẫn tiếp tục nhận thuốc ARV điều trị người nhiễm HIV từ nguồn viện trợ PEPFAR và Quỹ toàn cầu Phòng chống HIV/AIDS gồm: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư; Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, Bệnh viện đa khoa khu vực Cẩm Phả, Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai, Bệnh viện Da liễu tỉnh Đồng Nai, Bệnh viện tỉnh Thanh Hóa. Người nhiễm HIV muốn tiếp tục điều trị tại các bệnh viện trên để được Quỹ BHYT thanh toán các dịch vụ KCB liên quan, bao gồm xét nghiệm tải lượng HIV thì phải có giấy chuyển tuyến KCB BHYT theo quy định.
Cơ sở tiếp nhận bệnh nhân HIV/AIDS là cơ sở y tế đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu của người bệnh hoặc tương đương với cơ sở đăng ký KCB BHYT ban đầu của người bệnh; có thuốc ARV phù hợp với phác đồ thuốc ARV người bệnh đang điều trị.
Người bệnh cần chuyển tuyến là người bệnh từ 16 tuổi trở lên đang điều trị HIV/AIDS tại các bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh nơi người bệnh không đăng ký KCB BHYT ban đầu; người không có giấy chuyển tuyến phù hợp để được tiếp tục điều trị HIV/AIDS nguồn BHYT tại bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh nơi họ đang điều trị.
Nguồn: thanhnien.vn