Sáng 15.11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Bảo hiểm y tế (BHYT). Một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến thảo luận, là có nên thu BHYT trong trường học.
Học sinh tham gia BHYT hộ gia đình sẽ giúp giảm trừ mức đóng?
Tại báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình, Bộ Y tế cho biết, để hỗ trợ và khuyến khích học sinh, sinh viên tham gia BHYT, luật hiện hành quy định ngân sách hỗ trợ 30% mức đóng.
Nhiều ý kiến của cử tri và đại biểu Quốc hội đề nghị cho phép học sinh, sinh viên có thể tham gia BHYT theo hộ gia đình, nhằm giảm trừ mức đóng, nhất là các đối tượng thuộc gia đình đông thành viên.
Từ cơ sở trên, Bộ Y tế khi trình dự thảo luật đã đề xuất học sinh, sinh viên được quyền lựa chọn tham gia BHYT theo nhóm 4 (được ngân sách hỗ trợ) hoặc nhóm 5 (tự đóng BHYT).
Quy định như vậy sẽ bảo đảm linh hoạt, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên; đồng thời khuyến khích những người đang không tham gia sẽ đóng theo hộ gia đình cùng học sinh, sinh viên để được giảm trừ mức đóng. Từ đó, giúp tăng thêm đối tượng lâu nay không tham gia BHYT.
Tuy nhiên, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Xã hội và một số đại biểu Quốc hội lại đề nghị không quy định về việc học sinh, sinh viên được lựa chọn giữa 2 nhóm tham gia BHYT. Thay vào đó, nên tăng mức hỗ trợ cho học sinh, sinh viên.
Nhưng theo Bộ Y tế, nếu tăng mức hỗ trợ đóng BHYT cho học sinh, sinh viên lên 5% thì ngân sách sẽ tăng chi khoảng 1.000 tỉ đồng mỗi năm.
Vì nội dung này còn ý kiến khác nhau và để bảo đảm nguyên tắc chỉ quy định những nội dung mang tính ổn định, đồng thuận cao, Bộ Y tế thống nhất với Ủy ban Xã hội và một số đại biểu Quốc hội giữ nguyên quy định hiện hành.
Bộ Y tế sẽ nghiên cứu thêm, thống nhất với Bộ Tài chính trong giai đoạn tới để Chính phủ quyết định phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước, bảo đảm tính khả thi và phù hợp.
“Điều quan tâm là chất lượng chăm sóc sức khỏe cho các cháu ra sao”
Cho ý kiến thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị cân nhắc đối với quy định thu BHYT của học sinh thông qua trường học.
Ông Vinh cho rằng nên có chính sách tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu về ý nghĩa của BHYT, đồng thời nộp BHYT “có nơi, có chỗ”, thay vì thu tại trường học.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cũng nhận định, dịp đầu năm học thường có nhiều khoản thu được thực hiện thông qua giáo viên hoặc nhà trường, trong đó có BHYT.
Quy định này có hạn chế nhất định khi đối tượng tham gia BHYT là học sinh thường chưa tự quyết được cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu cho mình, dẫn tới thiếu khách quan. Bà Hải do đó cho rằng không thu trong nhà trường “vẫn là tốt nhất”.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, qua thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về BHYT, cơ quan này nhận thấy đối tượng là học sinh tham gia BHYT rất ổn định, duy trì tỷ lệ cao.
Để giữ sự ổn định, bà Thúy Anh đề nghị tiếp tục quy định như hiện hành, đồng thời có thể nghiên cứu tăng mức hỗ trợ cho học sinh, sinh viên. Sau này, khi sửa đổi luật một cách toàn diện, các cơ quan sẽ có đánh giá kỹ lưỡng để tính toán cho phù hợp.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Hòa, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam, dẫn số liệu từ năm 1992 đến nay, việc đóng BHYT thông qua nhà trường rất ổn định, với tỷ lệ 99% học sinh tham gia. Nếu bây giờ chuyển sang hình thức hộ gia đình và vận động người dân tham gia thì chưa rõ tỷ lệ sẽ như thế nào.
Sau các ý kiến thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị cơ quan thẩm tra giải trình, làm rõ nội dung mà các đại biểu nêu.
Bà Thanh nhắc lại con số 99% học sinh tham gia BHYT mà ông Hòa nêu, cho rằng đó mới là ở khía cạnh thu, “điều quan tâm là chất lượng chăm sóc sức khỏe cho các cháu trong độ tuổi học sinh ra sao”.
Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị phải có đánh giá công tác thực hiện BHYT đối với học sinh thời gian qua được gì, chưa được gì. Việc quan tâm sức khỏe học đường không chỉ thực hiện khi các cháu có bệnh, mà ngay cả khi chưa phát sinh thành bệnh để đi khám, chữa bệnh theo BHYT.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải dẫn phản ánh từ cử tri bày tỏ mong muốn việc sửa đổi luật BHYT lần này sẽ giúp quy trình thanh toán BHYT thuận lợi hơn, tránh tình trạng “khi đóng thì trừ luôn vào lương, nhưng chi trả thì nhiều lúc rất khó khăn”.
Bà Hải cũng đề nghị có sự đánh giá thường xuyên, công khai về quỹ BHYT, để người dân nắm được. Đồng thời, các quy định cần được xây dựng đảm bảo bệnh nhân đi khám BHYT không bị phân biệt đối xử.
Nguồn: thanhnien.vn